Phải dừng các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành trên toàn quốc đang tồn tại mối nguy hiện hữu cho môi trường và sức khỏe của người dân.

Đây là khẳng định của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) trong kiến nghị được tổ chức này gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài Nguyên & Môi trường khi nói tới nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than. Trước đó, Bộ Công thương đã đưa ra danh sách 30 dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên toàn quốc với các nhà máy nhiệt điện chiếm số lượng chủ yếu.
VSEA cho biết, theo các nghiên cứu được tổ chức này thực hiện trong 2 năm qua, các nhà máy than và nhiệt điện than như Hải Phòng I&II, Quảng Ninh, Thái Bình I&II, Mạo Khê, Vĩnh Tân II, Vũng Áng I &II, và Duyên Hải I đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương. Tuy nhiên người dân, các tổ chức xã hội và thậm chí ngay cả chính quyền tại các địa phương này lại không thể tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án trên.
 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 từng nhiều lần bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường
Với hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành trên toàn quốc cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường. Nguy cơ này càng lớn hơn nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030. Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18,000 MW. Đây sẽ là hiểm họa khôn lường cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản của khu vực này, VSEA cảnh báo.
Các biện pháp được Bộ Công thương đưa ra mới đây như quản lý tro xỉ và hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động mà các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than phải tuân thủ chỉ là giải pháp tình thế. Điều mà người dân mong đợi là các giải pháp chiến lược ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ nguồn xây dựng theo khoa học dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi trường. Điều này sẽ làm được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng từ giai đoạn quy hoạch cho tới giám sát thực thi các nhà máy sản xuất điện năng nói chung và nhà máy nhiệt điện than nói riêng, VSEA nói.
Bên cạnh đó, VSEA cũng gửi tới Chính phủ và Bộ Công thương một loạt các kiến nghị nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than. Trong đó đáng chú ý là thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi thông tin của người dân về việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với nhiệt điện nói riêng và các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường nói chung của cả nước. Không chỉ vậy, đối với các nhà máy nằm trong danh sách giám sát đặc biệt của Bộ Công thương nếu không tuân thủ đúng yêu cầu cần dừng vận hành ngay lập tức.

Các nhà máy nhiệt điện than nằm trong danh sách giám sát đặc biệt của Bộ Công thương:

Của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh.

Của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Vũng Áng 1 - Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.