Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải giải bài toán bao giờ doanh nghiệp mới lớn

Theo Tiền phong
Chia sẻ Zalo

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam phát triển, bên cạnh những vấn đề về phát triển nội tại của doanh nghiệp, việc xóa bỏ tình trạng phải “bôi trơn” trong hoạt động là rất cần thiết. Có như vậy mới có thể giải được bài toán đến bao giờ doanh nghiệp mới lớn.

Là một người luôn tâm huyết, đồng hành với các chính sách gắn liền với doanh nghiệp trong thời gian qua, ông đánh giá thế nào về những thay đổi liên quan đến những chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp sau một năm kể từ cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ nhằm “cởi trói” những vướng mắc chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp? Theo ông những việc gì làm được, việc gì chưa và những việc này tác động thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
Phải thừa nhận là sau một năm kể từ cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhiều việc đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng dù các cấp lãnh đạo cũng có cố gắng nhưng bộ máy dường như vẫn không theo kịp. Cần sự cải cách rất lớn trong tư duy về vấn đề nhân sự. Nếu có quyết tâm, quyết sách lớn nhưng nhân sự vì lý do nào đó không theo, hoặc không theo kịp, còn trì trệ thì khó có kết quả.
"Không DN nào có thể phát triển mạnh mẽ nếu phải gánh lãi suất ngân hàng lên tới 10-14%" - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo tôi, muốn cởi trói cho doanh nghiệp, để đạt được kết quả thì ngoài những quyết sách còn phải tính đến những con người dám chịu trách nhiệm, những người có tâm, có đức với hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, câu hỏi lớn nhất vẫn là họ có làm không. Như với những hồ sơ có sự khó khăn thì anh giải quyết cho người ta thế nào. Còn giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp mà vẫn đòi hỏi “tôi giải quyết cho anh thì có quyền lợi không thì rất khó. Cái khó mà doanh nghiệp phản ánh là vẫn còn tình trạng phải “bôi trơn” đi trước thì bộ máy mới vận hành nhẹ nhàng hay “bôi” ở điểm này nhưng điểm khác chưa “bôi” thì bánh xe vẫn nằm ì đấy.
Làm sao để giải quyết việc này là trách nhiệm của cả những người chuyên ngồi viết các thông tư, nghị định.
Hiện vẫn còn những nghi ngại về việc “cài cắm”, lợi ích nhóm ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc “cài cắm” cũng chỉ nhằm để doanh nghiệp đến mời đi uống rượu hay phong bao, phong bì. Việc nhổ các “cọc” được cài cắm trong chính sách là rất cần thiết.
Vậy làm sao có thể giải quyết được tình trạng trên bảo dưới không làm thưa ông?
Ở các nước vì sao họ vẫn làm được mà ta lại không. Chúng ta đang ở trong một xã hội mà sự thay đổi quyền lực, cải cách hành chính chưa thật sự quyết liệt. Về phương pháp, không phải là không có nhưng chắc chắn sẽ có sự động chạm về lợi ích, quyền lực nhóm. Mình có chấp nhận hay không. Thuốc uống thì nhiều nhưng “bác sĩ” có dám kê đơn và “bệnh nhân” có muốn uống hay không?
Ở Việt Nam đến nay, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), được xác định là chủ đạo của nền kinh tế, nhưng thực tế hoạt động của nhiều đơn vị đang là gánh nặng cho nền kinh tế khi liên tiếp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Theo ông vấn đề này sẽ phải giải quyết thế nào và ai là người phải chịu trách nhiệm?
Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều DNNN được hưởng các chính sách ưu đãi nhưng lại đang hoạt động và được quản lý một cách không hiệu quả. Chưa kể hàng loạt DNNN đang trong tình trạng thua lỗ với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ðây là vấn đề xuất phát từ bộ máy điều hành chứ không phải kết quả từ trên trời rơi xuống. Vấn đề đặt ra Nhà nước có quyết liệt xử lý dứt điểm những vấn đề của các DNNN?
Vướng mắc ở đây nằm ở khâu nhân sự. Ai quản lý, chịu trách nhiệm về những nhân sự lãnh đạo DN hoạt động không tốt. Ðây là vấn đề chúng ta chưa giải quyết được.
 Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Ở các nước, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là một lực lượng đóng góp khá lớn cho nền kinh tế. Ở Việt Nam, theo ông, các doanh nghiệp đang gặp những vấn đề gì cản trở khiến họ không thể lớn được?
Thực tế cho thấy ngoài câu chuyện lợi ích cục bộ của các bộ ngành và câu chuyện lãi suất, điều khiến các doanh nghiệp của chúng ta không lớn được do nội lực yếu, tính sáng tạo, liên kết không tốt. Ở đây đúng là có hai vấn đề. Với khía cạnh quản lý Nhà nước thì có vấn đề về năng lực, lợi ích nhóm và cả tham nhũng.
Còn về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, những vấn đề như kinh doanh tự phát, không được đào tạo kinh doanh bài bản, thiếu tư duy sáng tạo khởi nghiệp, thiếu kỹ năng quản trị… là phải thừa nhận. Không ít doanh nghiệp không đủ năng lực để tự làm một hồ sơ vay vốn, khả năng phân tích thị trường và các phương án giải quyết khi vay vốn. Nhiều doanh nghiệp bước vào kinh doanh theo kiểu “cứ nhắm mắt mà đi”, không có sự sắp xếp, nghiên cứu bài bản. Kinh nghiệm thiếu, khả năng chịu đựng cạnh tranh kém thì đương nhiên đối mặt thất bại.
Chúng ta có hệ thống hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng làm ra những sản phẩm tốt, có khả năng bán ra thị trường số lượng lớn rất ít. Cũng do thiếu kỹ năng quản trị nên không ít doanh nghiệp có sản phẩm bán ra được thị trường nhưng rốt cuộc vẫn phải gánh thất bại chỉ vì không tính toán được diễn biến của thị trường và cả việc chiếm dụng “vốn gối đầu” của các đối tác. Ðây là điều phải suy nghĩ.
Vậy phải giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Với các doanh nghiệp tư nhân, muốn lực lượng này trở thành những mũi nhọn của nền kinh tế thì phải có các chính sách hỗ trợ. Trong quá khứ, chúng ta từng có các gói hỗ trợ tài chính lên tới 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản vay ngắn hạn. Những gói hỗ trợ này đã giúp ích rất lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động. Nhưng cũng có ý kiến về tình trạng đi đêm, trục lợi lãi suất…
Ðiều cần giải quyết chính là phải xem xét điều chỉnh lại lãi suất cho vay hiện nay. Không doanh nghiệp nào có thể phát triển mạnh mẽ nếu phải gánh khoản lãi lên tới 10%-14%. Tôi từng kiến nghị nhiều lần về việc Nhà nước hoàn toàn có thể có giải pháp cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp để từ đó kéo lãi suất cho vay xuống. Doanh nghiệp vay với lãi suất cao, hoạt động lại không hiệu quả thì chính là mầm mống của tình trạng nợ xấu trong ngân hàng. Ðiều cần quan tâm hiện nay chính là luồng tín dụng đang chảy đi đâu thì chúng ta chưa kiểm soát được. Ðây là điều bất cập trong quản lý chính sách tiền tệ.
Tại thời điểm hiện nay, doanh nghiệp cũng khó có thể sống nổi do lãi suất cho vay vẫn quá cao. Tại sao các nước họ duy trì được lãi suất 1-3% mà chúng ta lãi suất vẫn từ 10% trở lên? Với mức lãi suất này, DN cũng không dễ vay được tiền, vẫn phải có "bôi trơn" nếu như hồ sơ vay chưa thật ổn. Ðấy là những vấn đề phải giải quyết đồng thời với việc tìm ra bài toán cho câu hỏi: Ðến bao giờ doanh nghiệp mới lớn?
Cảm ơn ông!