Sự kiện “Xẩm tàu điện-Văn hóa đường phố Hà Thành” kết thúc đã đáp ứng được phần nào lòng mong mỏi của công chúng mê xẩm và những ai muốn tìm lại, níu giữ nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội xưa. Đồng hành với nó là những ngẫm ngợi, trăn trở của các nghệ sỹ bao năm đeo đẳng với nghề, miệt mài giữ xẩm.
Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan. (Ảnh: CTV)
Ngọn lửa đó vẫn luôn tồn tại
- Xin hai nghệ sỹ cho biết, sức sống của xẩm nói riêng và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung trong đời sống hiện nay thế nào?
NSƯT Thanh Ngoan: Phải khẳng định rằng, ở Hà Thành, ngọn lửa xẩm vẫn tồn tại; tiêu biểu là chiếu xẩm Đồng Xuân vẫn được duy trì đều đặn và trở thành một địa điểm thú vị thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế khi đến thăm Hà Nội.
Không phải vì là người trong cuộc mà mình tự khen nhưng tôi cho rằng các nghệ sỹ của chúng ta rất tâm huyết. Từ năm 2005 tới nay, họ vẫn miệt mài với góc chợ Đồng Xuân; kể cả những đêm mưa gió lạnh giá, họ vẫn ngồi đó và vẫn biểu diễn.
Chính thực tai Ngoan nghe ở đó rất nhiều, những người đến du lịch lần này nói với những người đến du lịch lần sau: có một văn hóa ở đó. Người ta không nói hẳn là xẩm mà người ta nói là có chiếu diễn nghệ thuật truyền thống ở đó. Ngoài xẩm là chính thì có hát văn, hát chèo và một số loại hình nghệ thuật dâng gian truyền thống khác.
Rõ ràng những cái đó là sự ghi nhận của công chúng và là niềm động viên rất lớn đối với các nghệ sỹ. Có thể kinh tế hạn hẹp, khó khăn nhưng khán giả đến với mình. Bây giờ các bạn mở mạng ra sẽ thấy có rất nhiều bài hát xẩm và lượng người xem cũng rất đông, chứ thời gian trước rất hiếm hoi.
NSƯT Thế Dân: Tôi tin rằng, dù ở thời đại nào thì những loại hình nghệ thuật truyền thống này cũng vẫn sẽ tồn tại. Nó thuộc về bản sắc dân tộc, không đầu tư thì nó vẫn tồn tại, vấn đề chỉ là nó tồn tại được tốt đến đâu. Đầu tư tốt thì nó tồn tại tốt. Ngày xưa có ai đầu tư đâu nhưng nó vẫn tồn tại hàng ngàn năm đấy thôi.
Việt Nam ta là vậy! Lửa đạn chiến tranh ác liệt không thể hủy diệt được dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Hay các bạn nhìn rừng tai-ga mùa khô ấy. Khô héo là vậy nhưng trong nó vẫn âm ỉ một sức sống. Mưa xuống là nó lại bùng lên rất mạnh.
- Xin được hỏi Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan: Các loại hình sân khấu truyền thống của chúng ta đều được đưa lên sân khấu hộp, có sự khác biệt với môi trường diễn xướng truyền thống. Điều này có ảnh hưởng gì đến chất lượng nghệ hay không?
NSƯT Thanh Ngoan: Sân khấu hộp có cả ưu và nhược điểm của nó. Ngày nay, tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống của chúng ta đều được đưa lên sân khấu hộp.
Ví dụ, nếu ai đã từng nghe xẩm bến phà hoặc xẩm tàu điện thì sẽ thấy: Người xem không thể nhóm họp thành một nhóm lớn được, bởi hát ở trên tàu điện tức là đi dọc từ đầu tàu đến cuối tàu để biểu diễn. Nếu khán giả cố chen lên, vây quanh để xem thì cũng chỉ được bài va người là cùng. Cách bố trí của sân khấu hộp sẽ giúp nhiều người cùng một lúc được xem các nghệ sỹ biểu diễn.
Có thể với điều này, ai đó sẽ nói rằng: Đó không phải, không giống với xẩm tàu điện xưa. Tuy nhiên, sân khấu hộp lại phát huy được sự lợi thế của âm thanh, ánh sáng mà sân khấu truyền thống trước đó không có.
Trên bước đường đi, chúng ta muốn tuyên truyền, giới thiệu, cũng như để làm cho các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung đến được với tất cả mọi người thì chúng ta không nệ một chỗ nào chúng ta không đến.
Còn nếu đòi hỏi phục dựng lại sân khấu, không gian môi trường diễn xướng đúng như ban đầu của nó thì phải đầu tư nhiều hơn nữa.
“Ai là người đầu tư cho văn hóa truyền thống?”
- Các nghệ sỹ có thể nói rõ hơn về vấn đề bảo tồn này được không? Các chị cũng giỏi chứ khi vẫn duy trì được chiếu xẩm Đồng Xuân, một mô hình tiêu biểu cho việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống.
NSƯT Thanh Ngoan: Để bảo tồn và phát huy được nghệ thuật truyền thống thì không phải một mình Thanh Ngoan có thể làm được, mà cũng không phải chỉ có đam mê của các nghệ sỹ là có thể làm được. Nó còn đòi hỏi ba bề bốn bên và ai sẽ là người đầu tư cho văn hóa truyền thống?
Tụi tôi cũng chẳng giỏi khi mà Công ty cổ phần Đồng Xuân không tài trợ và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội không tiếp sức nữa. Để khôi phục lại vốn cổ, những đêm đầu mình có thể tự bỏ tiền ra, từ túi Ngoan rồi lần lượt tới túi những người khác,… Nhưng làm sao mà có thể như vậy mãi được. Chị cũng chỉ là một nghệ sỹ bình thường, cat-xê không phải là cao, bán nhà thì cũng chỉ đến một cái nhà thôi chứ làm gì có đến cái thứ hai mà bán. Có muốn cố cũng không được!
Cũng rất may là các nghệ sỹ tới đó, không ai đòi hỏi là tôi phải được trả cat-xê cao như ở các nơi khác. Nếu không thì sân đó tan từ lâu rồi.
Bây giờ bảo chèo, xẩm đi bán vé, không mấy người đến xem, nhưng “free” thì người ta đến đấy.
Tuy nhiên, muốn hay, muốn các nghệ sỹ tâm huyết thì cũng phải nuôi sống lại họ chứ. Ngày hôm nay là Ngoan vẫn còn tiền để mà no bụng thì đi hát. Còn sức thì còn hát được, nhưng ngày mai không đủ sức, không còn sức nữa thì hát làm sao được. Mà khi hát không hay nữa thì ai nghe.
NSƯT Thế Dân: Công chúng là yếu tố rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc.
Thật buồn khi công chúng nước ngoài đón nhận nghệ thuật truyền thống của ta hơn cả người Việt Nam. Nói đúng hơn, gần đây, người Việt Nam đã biết thưởng thức hơn. Ngày trước, người Việt Nam mình chỉ nghĩ về những gì trước mắt, nghĩ về kinh tế. Còn với âm nhạc thì thờ ơ lắm, nhất là với nghệ thuật truyền thống.
Hơn nữa, người Việt mình lại có tâm lý “sính đồ ngoại.” Những gì mới mới lạ lạ thì cứ thổi phồng mãi lên. Những chuyến đi nước ngoài biểu diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống của mình được vỗ tay không ngớt. Nhưng biểu diễn ở mình, khán giả vỗ tay lẹt đẹt. Nhiều lúc buồn!
Thế nhưng, tôi say mê, tôi yêu nó thì tôi vẫn cứ làm. Tôi không làm thì người khác sẽ làm. Tôi có thể hát ở bất cứ đâu, kể cả trên đường phố không có ánh đèn sân khấu. Chỉ cần ở đó có công chúng chờ đợi tôi.
Tôi tổ chức biểu diễn, anh không mua vé thì tôi cũng vẫn diễn. Trong một ngàn người, tôi chỉ cần vài chục người xem tôi diễn, thế là tốt lắm rồi. hoặc nếu không có ai xem thì tôi diễn cho chính tôi. Nhưng chắc chắn là không thể không có ai xem.
- Vậy các bước cụ thể để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống đó là gì?
NSƯT Thanh Ngoan: Phải giữ được đúng cái vốn cổ như của các cụ đã; sau đó mới nói đến chuyện phát huy, phát triển. Còn nếu chưa giữ được thì đừng nói đến chuyện phát triển. Vì nếu phát triển không cẩn thận thì nó có thể bị sai lệch.
Người Việt phải yêu văn hóa Việt, kể cả những người chưa hiểu về nó, thường xuyên đưa vào học đường, thường xuyên đưa ra các sân khấu, gần như việc để mọi người tiếp cận hàng ngày thì chúng ta sẽ thấy rằng: có thể mới đầu thì chúng ta chưa thấy hay nhưng cảm nhận dần dần, nó sẽ lắng lại.
Đặc biệt là với xẩm, cần đưa vào các trường học mà trước hết là các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật. Khẳng định rằng xẩm là loại hình nghệ thuật riêng có của Việt Nam; mà đã là loại hình nghệ thuật của Việt Nam thì các nghệ sỹ được đào tạo về âm nhạc không thể không biết đến nó.
NSƯT Thế Dân: Để khán giả biết đến nhiều hơn thì phải tạo thêm nhiều sân diễn. Thực tế đã cho thấy, khi sân khấu nhà hát chèo, tuồng,… biểu diễn thường xuyên thì khán giả đến cũng rất đông. Đến để gợi lại những câu chuyện, những tích truyện ngày xưa. Người xem khóc sướt mướt. Lúc đó, họ nhận ra: À, hóa ra các cụ ngày xưa hay đấy chứ!
- Về thái độ của các bạn trẻ hiện nay với nghệ thuật truyền thống, các nghệ sỹ nghĩ sao?
NSƯT Thanh Ngoan: Giới trẻ nhiều em cũng đam mê chứ. Nhưng thường nghệ thuật truyền thống không nuôi nổi người ta nên phải là những em nào vững tâm lắm, tâm huyết lắm hoặc không có chỗ nào để đi nữa thì người ta mới ở lại.
NSƯT Thế Dân: Vấn đề này thì lại phải nhìn rộng ra. Thế hệ trung niên bây giờ, những người chú ý đến nghệ thuật truyền thống thì 15, 20 năm về trước, họ cũng là những người trẻ và không quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Khi đã bước qua giai đoạn phải dồn sức cho sự nghiệp, lo kinh tế thì họ sẽ lắng lại với nghệ thuật dân tộc.
Theo quy luật đó, tôi tin là các bạn trẻ bây giờ sau 15, 20 năm nữa cũng sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn về nghệ thuật truyền thống.
- Xin trân trọng cảm ơn hai nghệ sỹ!