KTĐT - Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải là do nước ta còn thiếu các ngành công nghiệp mạng lưới để hỗ trợ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngành công nghiệp cung cấp nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến.
Mặc dù sản lượng thức ăn chăn nuôi của nước ta tăng đều qua các năm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Với quy mô thị trường lên tới gần 60.000 tỷ đồng/năm, nhưng do sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, nên lượng nhập khẩu mặt hàng này hàng năm vẫn rất lớn.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 256 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Trong đó có 225 doanh nghiệp có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số còn lại là các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại mặt hàng này. Năm 2008, tổng doanh thu của toàn ngành là khoảng 50.000 tỷ, sang năm 2009 con số này đã là gần 60.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thì sản xuất trong nước tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Cơ quan này còn dự báo nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của thị trường nội địa trong giai đoạn 2009-2020 sẽ tăng khoảng 8-9%/năm. Nhưng theo uớc tính sản lượng thức ăn chăn nuôi của toàn ngành năm 2010 cũng chỉ là 10,6 triệu tấn và năm 2011 là 11,3 triệu tấn. Như vậy, hàng năm lượng thiếu hụt vào khoảng 4-5 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu trên thị trường, trong một vài năm tới dự kiến giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn khoảng từ 300- 400 triệu USD/năm.
Nguyên nhân khiến ngành này đã và vẫn tiếp tục phải nhập khẩu với giá trị lớn được chỉ ra trong Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nước ta do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiến hành là vì lượng cung thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Song không chỉ nhập khẩu thành phẩm, ngành này còn đang phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất lên tới khoảng 30%.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Đơn cử như Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam năm 2009 giá trị nhập khẩu nguyên liệu chiếm tới 70% doanh thu.
Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải là do nước ta còn thiếu các ngành công nghiệp mạng lưới để hỗ trợ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngành công nghiệp cung cấp nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến. Do vậy, việc sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu đầu vào của thế giới. Chính điều này đã khiến giá thành các sản phẩm thức ăn chăn nuôi ở nước ta thường cao hơn các nước trong khu vực từ 15-20%.
Thêm vào đó, thị trường thức ăn chăn nuôi lại không có sự tham gia của khối doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành đều là các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay hầu hết các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trên thế giới đều đã có mặt ở nước ta như CP Group (Thái Lan), Cargill (Hoa Kỳ), NewHope (Trung Quốc)… Còn các công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn của Việt Nam đều là các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa.