Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải niêm yết trước khi thoái vốn: Lợi nhiều đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ đạo các DN đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chưa tiến hành niêm yết phải niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) trước khi bán vốn Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới chuyên gia và nhà đầu tư (NĐT) đánh giá là tốt cho tất cả các bên tham gia thị trường.

Nhà đầu tư kỳ vọng

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan phải thực hiện nghiêm túc chủ trương thoái vốn theo đúng quy luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm. Theo Thủ tướng, việc định giá cổ phần phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín. Với trường hợp Habeco, Sabeco là những DN đã CPH nhưng chưa tiến hành niêm yết, Thủ tướng cũng chỉ rõ phải tiến hành niêm yết trên TTCK trước khi bán vốn Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Sabeco đã cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Vân Thắng
Sabeco đã cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Vân Thắng
Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital Lê Anh Tuấn cho hay, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang khá thấp so với năm 2015. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm không phải do NĐT không quan tâm đến DN Việt Nam mà vì họ chưa thấy hàng hóa tương đối tốt để mua. Do vậy, việc đẩy mạnh quá trình CPH các DN lớn, theo ông Tuấn, là rất tốt. Để việc bán vốn hiệu quả, ông Tuấn kiến nghị, Nhà nước khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nên có giá phù hợp để thu hút NĐT. Tổng thể hơn, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, chỉ đạo các DN Nhà nước phải niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi thoái vốn là chỉ đạo có lợi cho tất cả các bên, trừ nhóm lợi ích. Cụ thể, với Nhà nước, phương án này sẽ xóa bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản trong quá trình bán vốn thông qua việc giới hạn các NĐT theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện, qua đó sẽ tối ưu được khoản thu thoái vốn. Việc minh bạch khi niêm yết sẽ giúp công ty hiệu quả hơn, nộp thuế cho ngân sách sẽ cao hơn và phần lãi cổ đông phần Nhà nước còn nắm giữ cũng sẽ cao hơn. Với NĐT, khi đầu tư vào công ty niêm yết sẽ có thông tin chuẩn mực hơn về DN thông qua các quy định hiện hành áp dụng với công ty niêm yết. Các NĐT tham gia đại hội cổ đông thường niên sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của HĐQT và Ban Giám đốc điều hành. Với DN sau khi niêm yết và bán cổ phần Nhà nước sẽ trở thành công ty đa chủ sở hữu, từng bước tuyển chọn bộ máy quản trị và điều hành phù hợp, đặt lợi ích DN lên trên hết, không phụ thuộc vào một cổ đông nào.

Không lo thâu tóm

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu bán hết vốn Nhà nước tại 10 DN Nhà nước “đẻ trứng vàng” như Vinamilk, cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được khoảng 150.000 tỷ đồng.

Trước lo ngại về việc những DN này đứng trước nguy cơ bị một cổ đông nước ngoài thâu tóm, trở thành công ty con và là công cụ để DN ngoại mở rộng thị trường tại Việt Nam mà không vì mục tiêu phát triển công ty, ông Hưng cho rằng, nguy cơ này sẽ rất khó thực hiện, thậm chí là không thể. Nguyên nhân là do DN nước ngoài rất khó có thể thâu tóm được 100%. “Việc họ thâu tóm được 51% để thành công ty con là có thể, nhưng họ cũng chỉ có thể xây dựng công ty với cương vị là cổ đông chi phối chứ không thể biến DN thành công cụ cho công ty mẹ do các quy định của TTCK đối với các giao dịch giữa các bên liên quan của công ty niêm yết” - ông Hưng nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Tuấn Minh, Việt Nam đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Khi có sự cạnh tranh, giá cổ phần bán được sẽ cao hơn, tiền thu về nhiều hơn, như vậy là quá tốt. Một DN vận hành có lợi nhuận, DN nước ngoài ngoài bỏ tiền vào mua giá cao, giúp NĐT trong nước có nguồn tiền để đầu tư vào lĩnh vực phù hợp tối ưu hơn. Tiền không đi đâu mà mất, tại sao lại phải lo?