Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết nhằm góp thêm tiếng nói giúp các cơ quan chức năng giải quyết triệt để những tồn tại trong quản lý trật tự tại khu vực giáp ranh.
Thượng tá Bùi Văn Tiến - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân: Tập hợp lực lượng “làm đâu gọn đấy” Khi báo chí phản ánh nhiều về vi phạm trật tự đô thị trên phố Vũ Tông Phan, nhất là TP đang quyết tâm thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", chúng tôi, những người trực tiếp được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị trên địa bàn cảm thấy hết sức trăn trở. Sau nhiều cuộc họp, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Công an TP, UBND quận Thanh Xuân và quyết tâm của các ban, ngành trong quận, kết quả là đã lập lại được trật tự đô thị trên phố Vũ Tông Phan. Từ thực tế đó, có thể rút ra bài học giải quyết các vi phạm tại khu vực giáp ranh đó là: "Thực hiện kiểm tra, giải tỏa theo phương thức cuốn chiếu "làm đâu gọn đấy". Cụ thể, công an quận đã biệt phái 5 đồng chí chuyên trách về trật tự từ 5 phường khác về tăng cường cho Công an phường Khương Đình, tham gia giải tỏa chợ "cóc" trên địa bàn này. Sau giải tỏa, chúng tôi lại tiếp tục duy trì lực lượng phối hợp chốt trực, chống tái phạm, tổng cộng thời gian biệt phái của các chiến sỹ lên tới 5 tháng. Thực tế cho thấy, khi tập trung được lực lượng đông đảo, mạnh mẽ trên một địa bàn nhất định sẽ giải quyết được những khó khăn và ngăn ngừa tình trạng tái diễn. Từ kinh nghiệm này, Ban chỉ huy Công an quận đã chủ động lên kế hoạch tổ chức lực lượng, đồng thời yêu cầu các bên liên quan phối hợp, đặt mục tiêu trong tháng 5 tới sẽ giải quyết triệt để "điểm nóng" phố Vũ Hữu". |
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm: Phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc thực hiện Câu chuyện vi phạm trật tự giao thông, đô thị tại các khu vực giáp ranh không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, chỉ có một số ít địa phương làm tốt, duy trì ổn định tình hình, trong khi vẫn có nhiều địa phương lấy lý do này khác để bao biện và vi phạm cứ thế tái diễn làm xấu đi bộ mặt đô thị Thủ đô Hà Nội. Do đó rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành các địa phương. Từ thực tế giữ gìn trật tự đô thị trên địa bàn trong 2 năm qua cho thấy, để giải quyết triệt để các vi phạm tại khu vực giáp ranh, UBND các phường, quận liên quan ngoài việc thống nhất phương hướng hành động còn cần thông tin đầy đủ cho nhau về tình hình thực tế trên địa bàn. Trong các cuộc họp phải thẳng thắn nêu lên tồn tại, góp ý để cùng nhau rút kinh nghiệm. Công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng cần tiến hành đồng bộ, đều khắp, việc kiểm tra, xử lý vi phạm các địa phương cần phải hỗ trợ nhau. Ngay cả những tiểu thương, hộ gia đình không thuộc phường mình quản lý, nếu vi phạm trật tự tại khu vực giáp ranh thì trách nhiệm xử lý vi phạm là việc chung. Nếu làm tốt được điều này "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015" sẽ đạt được kết quả như đã đặt ra. |
Thượng úy Phạm Văn Trọng - Phó trưởng Công an phường Mộ Lao, quận Hà Đông: Chốt trực ngày đêm Trước đây, tại khu vực đường Nguyễn Trãi thường xuyên xuất hiện một điểm nóng về trật tự giao thông, đô thị đó là chợ Phùng Khoang. Chợ Phùng Khoang họp suốt từ sáng sớm đến đêm khuya và lại nằm tại khu vực giáp ranh giữa phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) với phường Mộ Lao (quận Hà Đông) nên việc quản lý trật tự rất vất vả. Cũng vì vậy, việc xử lý, giải tỏa triệt để các vi phạm luôn là bài toán khó đối với lãnh đạo 2 quận. Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", đầu năm 2014, quận Hà Đông và phường Mộ Lao quyết tâm và đã lập lại được trật tự đô thị tại chợ Phùng Khoang trên đường Nguyễn Trãi. Qua công tác kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm có thể thấy rõ một vấn đề đó là: Công an phường kết hợp với lực lượng dân phòng, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ dân thì cần duy trì chốt trực cả ngoài giờ, mà chủ yếu là liên tục duy trì lực lượng tuần tra kiểm soát ngoài giờ mới có thể đưa khu vực này vào nề nếp. Qua đó cho thấy, nếu vận dụng lực lượng một cách chủ động, linh hoạt, cán bộ chiến sỹ nhiệt tình, có kỷ luật, công an các phường, quận hoàn toàn có thể xử lý dứt điểm và ngăn ngừa vi phạm tại các khu vực giáp ranh. |
Ông Cao Ngọc Ba - Tổ trưởng tổ dân phố số 11, phường Định Công, quận Hoàng Mai: Cán bộ cơ sở phải phát huy được vai trò, lợi thế gần dân Người Việt có tâm lý làm bất cứ việc gì đều nhìn nhau. Ví dụ rõ nhất là việc xây nhà. Nhà xây sau bao giờ cũng phải đổ nền cao hơn nhà bên cạnh hoặc làm hoành tráng hơn một chút. Trong vi phạm trật tự đô thị cũng vậy, thấy nhà bên cạnh bày bán lấn chiếm được thì nhà mình cũng phải lấn ra và lấn chiếm nhiều hơn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm nhiều. Vì vậy, muốn thực hiện có hiệu quả "Năm trật tự và văn minh đô thị", cán bộ cơ sở phải phát huy được vai trò, lợi thế "gần dân" của mình, hỗ trợ đắc lực cho công tác của chính quyền. Là tổ trưởng dân phố, tôi cùng với cán bộ văn hóa phường, dùng nhiều biện pháp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Chúng tôi đến từng gia đình vận động, giải thích, thậm chí còn in cả tờ rơi để phát cho người dân, nội dung vừa phân tích những tác hại của thói quen mua bán tùy tiện, vừa kêu gọi thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều nhà phải đến vận động 2 - 3 lần, có người lại liên tục di chuyển vị trí bán hàng rong để tránh né nhưng chúng tôi không sờn lòng, kiên trì bám sát, tuyên truyền cho đến kỳ được mới thôi. Song song với những nỗ lực vãn hồi trật tự của lực lượng Công an, các cơ quan, đoàn thể nơi có khu vực giáp ranh cần phải kiên trì vận động, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh. Có như vậy công tác quản lý trật tự đô thị mới đạt kết quả như mong muốn. |