Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân bổ kinh phí thực hiện phòng chống tội phạm năm 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa có quyết định phân giao 1,055 tỷ đồng kinh phí cho 9 cơ quan, đơn vị được để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2014.

Cụ thể các đơn vị được phân giao gồm: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố 500 triệu đồng, tiếp đến các sở: Thông tin và Truyền thông: 50 triệu đồng; Văn hoá, Thể thao và Du lịch: 50 triệu đồng, Tư pháp: 50 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố: 50 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh thành thành phố: 70 triệu đồng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố: 50 triệu đồng, Hội Nông dân thành phố: 35 triệu đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội: 200 triệu đồng.

Các sở, ngành được giao nhiệm vụ và kinh phí kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả; quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ và thanh quyết toán theo quy định...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tội phạm năm 2014, thành phố Hà Nội sẽ kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm tội phạm nghiêm trọng so với năm 2013. Giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt trên 90%. Điều tra khám phá án hình sự chung đạt trên 75%, án hình sự rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%. Không để hình thành các băng nhóm tội phạm tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Kết thúc điều tra 80% tổng số án thụ lý điều tra. Điều tra, truy tố, xét xử 860 vụ án điểm.

Nâng cao công tác phát hiện và xử lý đối với án kinh tế, tham nhũng, ma tuý, môi trường, công nghệ cao. Phấn đấu thực hiện điều tra, khám phá 1.500 vụ vi phạm và phạm tội về kinh tế, 2.500 vụ phạm tội về ma tuý, 1.450 vụ vi phạm và phạm tội về môi trường, 120 vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao. Giảm từ 3%-5% các loại tội phạm xâm phạm trẻ em; tội phạm nghiêm trọng trong độ tuổi vị thành niên. Bắt, vận động đầu thú 1.000 đối tượng có quyết định truy nã, giảm 10% số đối tượng truy nã ở ngoài xã hội. Lập hồ sơ đề nghị Toà án nhân dân ra quyết định đưa 500 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và 1.900 hồ sơ đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác bắt giữ, điều tra, khởi tố, đình chỉ, tạm đình chỉ, xử lý tội phạm, không để xảy ra oan sai nghiêm trọng hoặc bỏ lọt tội phạm...