KTĐT - Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các chi phí vật tư nông nghiệp, giá phân bón cũng đang tăng lên từng ngày khiến cho người nông dân thêm gánh nặng.
Đầu vào "hất nhào" đầu ra
Thời điểm này, cả nước đang bước vào sản xuất vụ Đông Xuân, ở miền
Chị Hằng, chủ đại lý phân bón Hằng Hướng, ở khu C, xã Song Phương cho biết: Từ 1/3 khi quyết định tăng giá điện có hiệu lực, cộng với sự tăng giá xăng dầu và tỷ giá đồng USD/VNĐ, các mặt hàng phân bón cũng tăng thêm 10%. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của người nông dân vì chi phí vật tư nông nghiệp mỗi ngày một tăng.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 2/2011 khối lượng phân bón nhập khẩu của nước ta đạt 520.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên về giá trị tăng tới 40%. Hiện nay, sản lượng phân hóa học sản xuất trong nước đạt 6,2 triệu tấn, mới đáp ứng được 68% nhu cầu. Lượng phân bón còn thiếu hụt phải nhập khẩu là 2,6 triệu tấn. Do phải nhập khẩu và phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài nên trong thời gian qua, giá phân bón trong nước chịu tác động lớn từ thị trường thế giới, lên xuống thất thường.
Để bình ổn giá không chỉ là hình thức
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng tăng giá phân bón, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón tiến hành bình ổn giá mặt hàng này. Hướng bình ổn là các doanh nghiệp cam kết mức giá bán chung hợp lý và ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ông Ngọc cũng khẳng định, nguồn cung phân bón cho vụ Đông Xuân và sản xuất nông nghiệp của cả năm 2011 là không thiếu. Còn về chất lượng, hiện Cục Trồng trọt đã chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng phân bón, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường. Hiện nay, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng đã có thời gian hiệu lực. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tự công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón của mình và phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng đó.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp thì việc làm này còn mang nặng tính hình thức. Do đó, trong thời gian tới, để nhanh chóng bình ổn thị trường phân bón trong nước, việc chủ động nguồn dự trữ phân bón trong nước có vai trò rất quan trọng. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc. Các doanh nghiệp này sẽ nhận được những hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, ưu tiên kho bãi hay tiếp cận nguồn cung ngoại tệ…
Một trong những biện pháp nữa để bình ổn giá phân bón là tăng cường năng lực của hệ thống phân phối đảm bảo cho phân bón lưu thông thông suốt từ sản xuất, nhập khẩu tới tay người tiêu dùng, giảm bớt chi phí trung gian không cần thiết. Trước mắt, Cục Trồng trọt khuyến khích các doanh nghiệp và các địa phương thực hiện bình ổn giá thông qua các đợt bán hàng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng với giá hợp lý.