Phản ứng gay gắt của Moscow khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới liên quan đến Crimea

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ quán Nga tại Washington nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không khiến Nga thay đổi chính sách, ngược lại nó làm xói mòn quan hệ hợp tác song phương.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 30/1, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ liên quan đến vấn đề Crimea sẽ không làm thay đổi chính sách của Nga.
“Chúng tôi muốn nhắc nhở các đồng nghiệp của mình rằng lệnh trừng phạt sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của Nga. Các lệnh trừng phạt đó sẽ chỉ làm tổn hại lợi tới ích của chính nước Mỹ và làm suy yếu cơ sở hợp tác cùng có lợi đối với Nga”, thông báo của Đại sứ quán Nga tại Mỹ nêu rõ.
 Trụ sở Đại sứ quán Nga tại Mỹ.
Đại sứ quán Nga lưu ý thêm: “Washington tiếp tục tin rằng thông qua các biện pháp trừng phạt, họ sẽ có thể làm suy yếu những thay đổi tích cực đã xảy ra ở Crimea, kể từ khi thống nhất với Nga. Mỹ không thể chấp nhận những thành công của chính quyền Nga trong sự phát triển toàn diện của khu vực này, đặc biệt là việc thực hiện dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để triển khai các tuyến đường bộ và đường sắt trực tiếp đến bán đảo này”.
Trước đó, hôm 29/1, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Crimea, cũng như với quyền Thống đốc Sevastopol Milhail Razvozhaev và 7 cá nhân khác. Đặc biệt là công ty Grand Service Express của Nga, phụ trách hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường sắt giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea thông qua cầu Crimea.
Trước đó, Crimea trở thành một khu vực của Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014, trong đó 96,77% cử tri ở Cộng hòa Crimea và 95,6% cư dân của Sevastopol đã ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau cuộc đảo chính ở Ukraine.
Ukraine vẫn coi Bán đảo Crimea là phần lãnh thổ nhưng tạm thời bị chiếm đóng. Phía Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng sự sáp nhập của bán đảo Crimea vào Liên bang Nga không hề trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần