Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phao cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, dư nợ tín dụng đối với các hộ kinh doanh cá thể dù không bằng các tập đoàn, DN lớn nhưng đây là phân khúc mang lại lợi nhuận rất ổn định, bền vững, an toàn.

Nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, cùng các kênh phân phối và sản phẩm riêng đã được các ngân hàng (NH) đưa ra thị trường. Nổi tiếng với mảng khách hàng DN, nhưng với tư duy “vốn nhỏ cho hiệu quả lớn”, VietinBank đã đưa ra sản phẩm cho vay sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hỗ trợ trực tiếp về vốn cho các cá nhân, hộ gia đình và DN siêu nhỏ. Theo đó, những thủ tục và điều kiện cho vay đơn giản, lãi suất ưu đãi cùng đội ngũ tư vấn viên nhiệt tình. Nắm bắt được sự đa dạng về nhu cầu vốn của khách hàng, VietinBank áp dụng hạn mức nhiều ưu đãi, cao tới 80% tổng nhu cầu vốn đối với vay ngắn hạn và 70% đối với vay trung và dài hạn. Đặc biệt, khách hàng có giấy đăng ký kinh doanh có cơ hội vay tới 3 tỷ đồng.
 Ảnh minh họa
Tại Vietcombank, một trong các hình thức tín dụng mà NH đang triển khai hiện nay là cho vay vốn kinh doanh, nhất là nhu cầu vay vốn kinh doanh của các hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, các DN nhỏ và vừa. Thủ tục vay đơn giản, thời gian vay linh hoạt, đáo hạn từ 6 – 12 tháng và dễ dàng có thể vay trở lại. Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vốn của Vietcombank cho biết, gần 50% dư nợ tín dụng hiện tại của NH này là cho vay kinh doanh, còn lại nằm ở các hình thức khác như vay tiêu dùng, vay tín chấp…
Trong khi đó, từ đầu năm 2016, VP Bank cho hộ kinh doanh và cá nhân (bao gồm cho vay tiêu dùng) vay khoảng 62.000 tỷ đồng. Với việc “lấn sân” mạnh mẽ vào phân khúc hộ kinh doanh cá thể, bằng sự đầu tư nghiêm túc và có chiến lược bài bản, VPBank đã thu được những thành công đáng khích lệ tại mảng này, được tổ chức GBAF trao giải “Giải pháp tài chính tốt nhất Việt Nam năm 2016”. Theo ông Từ Tiến Phát - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB, tiếp cận vốn NH không phức tạp vì Nhà nước và NH đều khuyến khích cơ sở kinh doanh hay DN vay vốn phát triển. Tại ACB, khách hưởng lãi suất từ 8%/năm, kỳ hạn vay linh hoạt, biên độ lãi suất duy trì ở mức từ 2,5%/năm. "Chúng tôi chủ động đưa ra nhiều giải pháp tài chính linh hoạt, phù hợp với kế hoạch và tình hình kinh doanh thực tế, thời gian vay dài, hạn mức vay lớn và lãi suất phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của cơ sở kinh doanh cá thể" - ông Phát chia sẻ.
Chị Ngọc Thu, tiểu thương chuyên kinh doanh hàng khô tại chợ Đồng Xuân cho biết, hàng năm, trước Tết 3 - 4 tháng, gia đình chị cần khoảng vài trăm triệu để mua trữ hàng các loại như măng, miến, nấm, đỗ… Căn cứ thực tế và nhu cầu vay, Sacombank đã đến tận nơi thẩm định cửa hàng. Sau khi làm đủ thủ tục hồ sơ, chị Hoa vay 300 triệu đồng, trả góp trong 2 năm. Với lãi suất 11%/năm, trung bình chị trả 7,6 triệu đồng/tháng, tính trên dư nợ giảm dần. “Người kinh doanh nhỏ nên chọn cách trả góp để dễ quản lý, không bị nặng gánh nợ vào cuối kỳ", đại diện Sacombank tư vấn.
Tỷ lệ cơ sở kinh doanh cá thể chiếm tới 90% số DN tư nhân, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Vì thế, nhu cầu về vốn của nhóm đối tượng này luôn ở mức cao. Tuy nhiên, huy động vốn từ gia đình, bạn bè thường chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu vốn thực tế, do đó vay ngân hàng là một giải pháp hữu hiệu cho các cơ sở kinh doanh này.
Ông Lê Đức Thọ
Tổng Giám đốc VietinBank