Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Pháp có nữ Thủ tướng đầu tiên sau 30 năm

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/5 (giờ địa phương) đã chọn Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne làm Thủ tướng mới, khi ông chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới.

Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Ảnh: AFP
Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Ảnh: AFP

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Jean Castex đã đệ đơn từ chức, mở đường cho cuộc đại tu nội các sau khi ông Macron tái đắc cử vào tháng 4 vừa qua. Đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Pháp từ năm 2020-2022, ông Castex đã tuyên bố ý định từ chức nếu Tổng thống Macron tái đắc cử. Đây được xem như một truyền thống đối với các cuộc bầu cử ở Pháp, với việc Chính phủ tiền nhiệm sẽ nhường chỗ cho một Nội các mới.

Tổng thống Macron - người thể hiện rằng bản thân đã lắng nghe những thất vọng của cử tri Pháp được thể hiện thông qua tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp và sự ủng hộ lớn cho cực hữu và cực tả - đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm một Thủ tướng với các hiểu biết về chính sách xã hội, môi trường và lao động.

Trong bối cảnh đó, bà Elisabeth Borne, 61 tuổi, trở thành người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp kể từ khi bà Edith Cresson đảm nhiệm chức vụ này một thời gian ngắn trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Francois Mitterrand của Đảng Xã hội vào đầu những năm 1990.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Macron đã chọn 2 Bộ trưởng theo khuynh hướng bảo thủ cho vị trí người đứng đầu Nội các, bao gồm cả Jean Castex. Việc bổ nhiệm bà Borne - chính trị gia thân thiết với Đảng Xã hội - đánh dấu một bước chuyển sang cánh trái cho vị trí này. Một nền tảng như vậy được cho có thể giúp ông Macron chống lại thách thức của đối thủ cánh tả Jean-Luc Melenchon, người đã đạt được vị trí thứ 3 tương đối vững chắc trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua, góp phần mang lại cho ông cơ hội tập hợp một liên minh lớn mạnh của các đảng thiên tả tại Quốc hội vào ngày 12-19/6 tới.

Từng phục vụ nhiều bộ trưởng của Đảng Xã hội trước khi gia nhập Chính phủ của ông Macron, bà Borne đã có một thời gian ngắn làm Bộ trưởng Môi trường Pháp vào năm 2019, với việc thúc đẩy các chính sách thân thiện với xe đạp.

Sau đó, bà phụ trách Bộ Lao động và giám sát các cuộc đàm phán với các công đoàn, dẫn đến việc cắt giảm trợ cấp thất nghiệp của một số đối tượng lao động. Ghi nhận dưới thời Bộ trưởng Borne, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên xuống mức thấp nhất trong 40 năm.

Bà Borne đã ghi dấu ấn với tư cách là một nhà đàm phán mạnh mẽ chống lại các tổ chức công đoàn trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron. Với tư cách là bộ trưởng giao thông vào năm 2017, bà đã chống lại nhiều tuần đình công và biểu tình để chấm dứt hệ thống lương hưu và phúc lợi hào phóng cho công nhân đường sắt SNCF.

Nhìn chung, kiến thức sâu rộng của bà Borne về hoạt động của nhà nước hứa hẹn sẽ giúp Tổng thống thúc đẩy những cải cách khó khăn hơn, đặc biệt là đối phó với các tổ chức công đoàn quyền lực của Pháp trong giám sát cam kết tranh cử gây tranh cãi nhất của ông Macron: Tăng tuổi nghỉ hưu. Nhà lãnh đạo tái đắc cử đang tìm cách cải cách lương hưu nhà nước của Pháp và tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 hoặc 65.

Reuters dẫn lời một cựu nhân viên của bà Borne tại Bộ Lao động nhận xét: “Bà ấy là một người nghiện công việc thực sự, người có thể làm việc đến 3 giờ sáng và quay trở lại văn phòng vào đúng 7 giờ sáng”.

Trong bài phát biểu hôm 16/5, tân Thủ tướng Pháp đã đề cập tới một số ưu tiên của mình trong chính sách sắp tới, như về thương mại hay chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, bà Borne cũng muốn truyền cảm hứng cho tất cả các trẻ em gái về dám theo đuổi ước mơ của mình.