Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật như: Lễ khai mạc và Lễ bế mạc - Trao giải tại Nhà hát Trưng Vương; Chương trình chiếu phim tại rạp Lê Độ, CGV và Galaxy với 86 suất chiếu cùng với việc ra mắt các đoàn làm phim tại rạp; Chương trình chiếu phim ngoài trời trong 3 đêm tại Công viên APEC; Chương trình Giao lưu nghệ sĩ nổi tiếng với khán giả; Hội thảo “Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng”; Hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản - kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam”; Workshop “Ươm mầm tài năng” với hai lớp học diễn xuất cơ bản và nâng cao; Chương trình tham quan danh thắng Đà Nẵng.
Đặc biệt sẽ có 30 phim Việt Nam được tuyển chọn tham dự và trình chiếu lần này để phục vụ khán giả yêu điện ảnh.
Theo đó, Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào tối ngày 9/5 tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với chủ đề “Mang Đà Nẵng đến châu Á và mang châu Á đến Đà Nẵng". Các tiết mục được trình diễn trong Lễ khai mạc cũng sẽ tập trung giới thiệu về văn hóa, tinh thần hiếu khách của người dân Đà Nẵng cũng như những nét đặc trưng của điện ảnh châu Á; đề cao tinh thần “Việt Nam hội nhập” và quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động, nhộn nhịp thông qua cầu nối là TP Đà Nẵng bằng lăng kính điện ảnh.
Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết thêm: Liên hoan phim có 86 buổi chiếu tại 3 cụm rạp Lê Độ, CGV và Galaxy. Tổng cộng 12.000 vé xem phim miễn phí được phân phối qua các kênh trường đại học, cơ sở chiếu phim, các nghệ sĩ… Đến nay, tất cả vé xem phim đã được phân phối hết.
Thông qua Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh TP Đà Nẵng đã phân phối qua các kênh các trường đại học, phát hành tại cơ sở chiếu phim, dành chỗ ngồi cho các nghệ sĩ và ban giám khảo làm việc. Đến nay 12.000 vé đã phát hết và liên hoan phim lần này là hoạt động công ích, phục vụ khán giả, người dân.
Điểm nhấn của DANAFF I là việc tranh tài của các phim ở 2 hạng mục: Hạng mục “Giải thưởng Phim châu Á - ASIAN FILM AWARD” và Hạng mục “Giải thưởng Phim Việt Nam” với Hội đồng giám khảo là các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam và quốc tế.
Với “Hạng mục Phim châu Á dự thi”, Chủ tịch Ban Giám khảo là bà Moon So-ri, diễn viên điện ảnh, đạo diễn và biên kịch người Hàn Quốc. Thành viên Ban Giám khảo gồm: NSND Như Quỳnh; đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch Phan Đăng Di (Việt Nam); đạo diễn, biên kịch Adilkhan Yerzhanov (Kazakhstan) và ông Stephen Jenner, Phó Chủ tịch Truyền thông khu vực vhâu Á -Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ.
Đối với “Hạng mục Phim Việt Nam dự thi”, Chủ tịch Ban Giám khảo là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất Victor Vũ; các thành viên Ban Giám khảo gồm: NSND Lan Hương; đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch Aditya Assarat (Thái Lan); nhà sản xuất Yulia Evina Bhara (Indonesia) và biên kịch Trần Khánh Hoàng. Ở giải NETPAC, Chủ tịch Ban Giám khảo là bà Bina Paul, đồng Chủ tịch NETPAC.
12 phim châu Á dự thi gồm “Thế chiến 3” (Iran), “Tòa nhà trắng” (Pháp, Nhật, Đức, Bỉ, Italia, Campuchia), “Muru” (New Zealand), “Người môi giới” (Hàn Quốc), “Soi gương” (Ấn Độ), “Ganwondo” (Hàn Quốc), “Người thân xa lạ” (Nhật Bản), “Joyland” (Pakistan), "AbeNida" (Philippines), “Giáo sĩ Qodrat” (Indonesia). Hai đại diện của điện ảnh Việt Nam là “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm.