Kinhtedothi - Ngày 5/12, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong năm 2013 đã phối hợp xử lý 25 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.
Không chia sẻ tên từng doanh nghiệp, song ông Hùng cho hay tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn hoành hành và ngày càng tinh vi. Và, 25 doanh nghiệp kia chỉ là phần nhỏ trong số các đơn vị dùng đầu số phát tán tin nhắn rác.
Thực tế cho thấy, với những biện pháp tích cực của cơ quan chức năng, có nhiều thời điểm trong năm 2013, tin nhắn rác đã giảm rõ rệt. Thậm chí, có đơn vị như Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội còn có những biện pháp mạnh, hàng tháng đều đặn yêu cầu doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với những số điện thoại, đầu số phát tán tin nhắn rác và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thế nhưng trên thực tế, dù biết sẽ bị “trảm” đầu số, bị xử phạt song các đơn vị vẫn lợi dụng công nghệ để phát tán tin nhắn rác, quảng bá dịch vụ nhằm trục lợi. Thậm chí, tình trạng tin nhắn rác hiện đang “lấn sân” sang cả dịch vụ OTT mà Viber là một trong những “bàn đạp” chủ lực để các đối tượng phát tán.
Do đó, ông Hùng kiến nghị cơ quan quản lý cần phải quản lý sát các đầu số phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc quản lý thì các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp, chế tài xử phạt đủ nặng thì mới mong giảm hẳn tình trạng “rác ngập điện thoại” như hiện nay.
Tin nhắn rác xuất hiện trên ứng dụng OTT Viber. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
|