Chú trọng thiết kế
Công trình Cột mốc Km 0 thuộc dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, được triển khai theo Thông báo số 2582-TB/TU ngày 7/5/2020 của Thành ủy Hà Nội về kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm. Trong đó Bí thư Thành ủy giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai hạng mục xây dựng cột mốc Km 0 tại Hà Nội.
Đại diện Ban Tổ chức phát biểu tại lễ phát động, GS Vũ Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: “Bất kỳ một tượng đài, một công trình nghệ thuật nào đặt trong một không gian nhất định đều có liên quan tới kiến trúc. Tuy nhiên, nếu công trình đó có sự bao hàm những ý nghĩa về văn hóa, lịch sử sẽ có giá trị hơn. Vì vậy, Ban Tổ chức mong muốn, Cột mốc Km 0 sẽ bao hàm được các những yếu tố này”.
Ban tổ chức gợi ý 4 vị trí có thể xây dựng Cột mốc Km 0 gồm: Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sỹ hiện nay; phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ; ngoài ra người dự thi có thể đề xuất 1 vị trí cho Cột mốc Km 0 trong khuôn khổ dự án đầu tư Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh: "Thí sinh tham gia cuộc thi thiết kế cần quan tâm đến vị trí đặt Cột mốc Km 0. Trong nhiều năm qua, bất cứ một điểm đến nào xuất hiện xung quanh Hồ Gươm đều được dư luận, người Hà Nội quan tâm. Tôi cho rằng từ ý tưởng đến hình tượng và biểu tượng là 3 nấc quan trọng, quyết định số phận của biểu tượng Cột mốc Km số 0 tại Hồ Gươm. Thí sinh khi tham gia cần lựa chọn cho mình một vị trí thích hợp để đưa ra ý tưởng thiết kế”.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh gợi mở ý tưởng cho các thí sinh bằng việc đưa ra một số ví dụ về cột mốc Km 0 ở các nước: “Tôi quan niệm ở Hồ Gươm không nên làm một công trình nổi lên. Ở Paris, người Pháp làm mốc Km 0 dưới đất, khu vực trước cửa nhà thờ Đức Bà, ở Mỹ cũng tương tự như vậy. Chúng ta không nhất thiết phải làm một tượng đài, có thể dưới sàn hoặc trên tháp đồng hồ”.
Hài hòa với không gian chung
Ngoài sự tham vấn của các chuyên gia về kiến trúc, điêu khắc, hội họa, các chuyên gia về lịch sử, di sản trong nước và nước ngoài đã có nhiều ý kiến bổ ích để thí sinh tham khảo. Trong đó, nhà sử học Dương Trung Quốc đặt vấn đề, tên gọi Cột mốc Km 0 là nhu cầu về định vị về không gian. Ở Hà Nội, điểm Km 0 ở đâu vẫn là ẩn số.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh chiêng phát động cuộc thi. Ảnh: Công Thọ. |
“Tôi sống ở phố Hàng Đường đã lâu và có nghe được về việc Km số 1 ở gần chợ Đồng Xuân. Trước đây, đường giao thông quan trọng hàng đầu ở Hà Nội không phải đường đất mà là đường xe điện nên có lẽ Km 0 tính từ ga xe điện ở trung tâm Hồ Gươm” - nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Với góc nhìn của một người nước ngoài về Hồ Gươm, TS.KTS Emmanuel Cerise – Viện PRX vùng Thủ đô Paris mở ra ý tưởng về việc xây dựng Cột mốc Km 0 như một trang sử mới của Hà Nội. "Hà Nội là TP có lịch sử ngàn năm. Tuy nhiên, tôi có gợi ý khi thiết kế Cột mốc Km 0 không nhất thiết phải dựa trên lịch sử ngàn năm đó" - TS.KTS Emmanuel Cerise nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, xây dựng Cột mốc Km 0 là một hạng mục quan trọng, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực hồ Hoàn Kiếm, xứng đáng với quy mô, tầm vóc, giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn. Do đó, yêu cầu mà Ban Tổ chức đưa ra cho khâu thiết kế, công trình phải là một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, như là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch độc đáo không thể thiếu trong hành trình tham quan Thủ đô Hà Nội… Thậm chí, có ý kiến còn kỳ vọng, Cột mốc Km 0 không chỉ trở thành biểu tượng cho một Thủ đô sáng tạo mà còn trở thành di sản cho các thế hệ sau này.
"Khái niệm Km số 0 không phải là khái niệm bắt nguồn từ hàng ngàn năm nay ở các đô thị trên thế giới, nó chỉ bắt nguồn từ khi có giao thông đường bộ, xe hơi phổ biến. Vì vậy, tôi nghĩ cứ coi dự án này như một điểm khởi đầu của giai đoạn lịch sử mới của Thủ đô Hà Nội." - KTS Emmanuel Cerise - Viện PRX vùng Thủ đô Paris (Pháp). Ban Tổ chức nhận bài dự thi từ nay đến hết ngày 6/7/2020 tại Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (số 40 Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ tổng kết, trao giải thưởng và triển lãm dự kiến diễn ra vào ngày 15/7/2020. |