Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hành phim: Không thể thụ động chờ đợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các rạp chiếu do tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài quản lý thường xuyên trong tình trạng “cháy vé”, thì các rạp do Nhà nước quản lý lại đìu hiu, thậm chí có nơi phòng chiếu 12 ghế chưa bao giờ kín chỗ.

Bức tranh ảm đạm

Tại hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, TP trực thuộc TƯ khu vực phía Bắc - phía Nam” do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng 31/5, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan khẳng định, công tác này chiếm một nửa hoạt động điện ảnh, rất quan trọng trong đời sống giải trí. Những năm qua, doanh thu chiếu bóng hàng năm tăng khoảng 20 - 30%, lượt khán giả mua vé xem phim năm 2015 tăng khoảng 15% so với năm 2014; Danh sách các phim đạt doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng được nối dài. Năm 2015, hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn phát triển nhanh với 138 rạp, 510 phòng chiếu, trong đó 457 phòng chiếu phim được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K. Khán giả đến với điện ảnh ngày càng đông, tình trạng “cháy vé” diễn ra thường xuyên, đặc biệt phim Việt đã tạo được “cơn sốt” điện ảnh.
Rạp chiếu phim Kim Đồng. Ảnh: Nguyễn Anh
Rạp chiếu phim Kim Đồng. Ảnh: Nguyễn Anh
Nhưng đó mới là dấu hiệu khởi sắc tại rạp ở các TP lớn, của hãng tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài. Còn bức tranh phát hành phim tại rạp do Nhà nước quản lý lại ảm đạm. Như chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng Bùi Thế Lâm: “Các rạp của Hải Phòng bị 2 cụm rạp lớn của nước ngoài là CGV và Lotte Cinema hút khách, nên không có khán giả. Chúng tôi có những phòng chiếu từ 300 – 350 ghế, nhưng trung bình mỗi ngày không mở được một buổi chiếu hoặc có chiếu thì cũng chỉ 2 – 4 người xem. Thậm chí, chúng tôi mở một phòng chỉ có 12 ghế nhưng chưa bao giờ kín chỗ”.  Tình trạng này phổ biến ở hầu hết các rạp do Nhà nước quản lý.

Chủ động

Nguyên nhân của tình trạng này được giới chuyên môn mổ xẻ là do rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không phù hợp với các phim nước ngoài sản xuất và thiếu nguồn phim. Bên cạnh đó, hệ thống rạp chiếu do Nhà nước quản lý thua cả về số lượng và chất lượng với 103 phòng chiếu ở 58 rạp. Trong khi hệ thống rạp của tư nhân Việt Nam là 34 rạp với 138 phòng chiếu; hệ thống rạp liên doanh với nước ngoài có 46 rạp với 269 phòng chiếu. Rồi nguồn phim ở các rạp đã thiếu lại càng thiếu, vì hệ thống rạp do Nhà nước quản lý hầu như chưa được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K nên không thể tương thích các bộ phim sản xuất theo công nghệ mới. Đây là những điểm trừ khiến khán giả không mặn mà với rạp do Nhà nước quản lý.

Không phải vô cớ mà ông Lâm đề xuất: “Nhà nước chuyển đổi định dạng các phim từ công nghệ DCP sang HD hoặc hỗ trợ cho các tỉnh mua một máy chiếu công nghệ DCP. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ cho các trung tâm chiếu phim trên cả nước”. Và điều quan trọng nữa là có cơ chế xã hội hóa cho các trung tâm chiếu phim. Bởi “Có nhà đầu tư đề nghị xã hội hóa, góp vốn cải tạo rạp, nhưng xin hết sở nọ đến sở kia mà vẫn không được duyệt” - ông Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lào Cai Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Trung tâm dành một phần diện tích làm khu dịch vụ, vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi kết nối với Hiệp hội Du lịch để đưa khách đến rạp xem phim, thưởng thức nghệ thuật truyền thống… Nhờ đó, khán giả đến rạp ngày càng đông, quy mô trung tâm ngày càng mở rộng. Chúng tôi đang kêu gọi nguồn xã hội hóa để mở thêm 2 phòng chiếu”.

Nghĩa là nếu biết cách sử dụng nguồn lực và bắt tay với các dịch vụ văn hóa, du lịch, rạp của Nhà nước vẫn có thể “sống khỏe”. Câu hỏi đặt ra cho các đơn vị của Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan rất đúng: “Nếu Nhà nước đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trung tâm phát hành phim, liệu thành công được bao nhiêu phần trăm?”.