Kinhtedothi - “Trong quá trình khai quật tại An Khê (tỉnh Gia Lai), Viện Khảo cổ học Việt Nam tìm ra những di tích về người tối cổ còn cổ hơn những gì thế giới đã phát hiện” - công bố của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tại cuộc họp báo sáng 11/4 đã khơi lên hy vọng về việc xác lập một vị trí mới của khảo cổ học Việt Nam trong nghiên cứu của thế giới về sự tiến hóa của loài người.
Dấu tích 1 triệu năm
Từ giữa năm 2014, các nhà khảo cổ học Việt - Nga đã khai quật di tích Gò Đá và Rộc Tưng (thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Đoàn đã tìm thấy 2 rìu tay ở di tích Rộc Giáo và Rộc Lớn, nâng số lượng bộ sưu tập rìu tay tiêu biểu hiện có lên 4 hiện vật, điển hình cho rìu tay sơ kỳ đá cũ thế giới. Đáng chú ý, đã phát hiện 11 di tích sơ kỳ đá cũ nằm xung quanh khu vực Rộc Tưng, hợp thành một quần thể di tích tập trung. Kết quả sơ bộ tại thời điểm này đã hé lộ nhiều thông tin gây chấn động về nơi di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy.
Theo TS Nguyễn Gia Đối - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Trưởng phòng nghiên cứu thời đại đá: Bằng những kết quả so sánh đối chứng có thể xác định sơ kỳ đá cũ có mặt ở An Khê cách thời đại ngày nay từ 70 vạn đến 1 triệu năm. Có nghĩa là thượng lưu sông Ba tại An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng dân cổ cách đây khoảng trên 70 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng có nhiều nghiên cứu cho thấy người thời đồ đá có ở nhiều nơi, song với việc xác định niên đại ban đầu của các di tích ở An Khê sẽ thuyết phục các nhà khoa học quốc tế rằng gần 1 triệu năm về trước, loài người đã có khu vực Đông Nam Á trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. “Dự án đã đem lại niềm vui lớn cho ngành khảo cổ học Việt Nam, có ý nghĩa bản lề cho sự tồn tại của một thời đồ đá cũ ở khu vực Đông Nam Á. Trên bản đồ xác lập thời kỳ đồ đá cũ thế giới, còn một điểm trống mà nhiều chục năm qua các nhà khảo cổ học lặn lội tìm kiếm để san lấp nó. Lần này điểm trống đó đã được sáng tỏ” - ông Nguyễn Giang Hải bày tỏ.
Có thể đặc cách xếp hạng?
Có thể thấy sau 50 năm, từ kết quả khai quật công cụ đồ đá cũ ở núi Đọ (Thanh Hóa), ngành khảo cổ học mới đón một niềm vui mới. Với ý nghĩa lớn của kết quả khai quật tại An Khê, Viện Khảo cổ học Việt Nam đề xuất Bộ VHTT&DL đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ đồ đá cũ này là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, di tích ở An Khê rất cần được bảo vệ trước sự xâm hại của quá trình khai thác đất, nông trại nuôi gia súc đang hoạt động mạnh ở đây.
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản cho rằng, Việt Nam chưa có tiền lệ đặc cách cho một di tích chưa là di tích cấp quốc gia được lên cấp quốc gia đặc biệt. Hơn nữa, việc xếp hạng không chỉ phụ thuộc vào giá trị hiện vật, mà không gian nguyên vẹn của di tích có thể không đáp ứng đủ yêu cầu. GS Lưu Trần Tiêu đánh giá cao ý nghĩa của kết quả khai quật ở thị xã An Khê, song vẫn băn khoăn về kết luận niên đại của sơ kỳ đá cũ. Theo ông, cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích di vật khảo cổ bằng những phân tích khoa học. Hỏi ông với vai trò là thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, có bỏ phiếu tán thành xếp hạng cho di sản, GS từ chối bình luận, chỉ lắc đầu kêu khó.
Hiện nay, việc làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích sơ kỳ đồ đá cũ ở An Khê mới chỉ là đề xuất. Tuy nhiên, để minh chứng rõ hơn cho niên đại của sơ kỳ đá cũ đã khai quật, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục phối hợp với chuyên gia khảo cổ Nga phân tích, đánh giá, hoàn thành các giai đoạn khảo cổ đến năm 2019. Trong năm tới, ngành khảo cổ học dự kiến tổ chức một hội thảo quốc tế, lấy ý kiến các chuyên gia thế giới để minh chứng rõ hơn về kết quả này, từ đó hướng đến xây dựng trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa tiến hóa của nhân loại tại Gia Lai.
Rìu tay bằng đá khẳng định sự xuất hiện 1 triệu năm trước của loài người ở Việt Nam.
|