KTĐT- Một nhóm nhà khoa học vừa phát hiện nhiều di tích hóa thạch của bọ cạp cánh rộng trong các lớp bột kết màu trắng, tại mỏ đá xóm Chẽ, Hải Phòng. Nhóm các nhà khoa học gồm: TS.Phipippe Janvier (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng Cổ sinh vật học và Cổ môi trường, Pháp ); TS. Nguyễn Hữu Hùng (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam), PGSTS. Tạ Hòa Phương (Đại học Khoa học Tự nhiên). Bọ cạp cánh rộng có tên khoa học là Euryptida, thuộc ngành Chân khớp (Arthropoda); có kích thước từ một vài cm đến 20 cm; nhưng cũng có những loài, kích thước đạt trên 2 m như các đại biểu thuộc giống Pterypgotus được phát hiện trong các trầm tích thuôc bậc Givet (380 - 375 triệu năm trước) của kỷ Devon ở Bắc Mỹ. Chúng là những động vật săn mồi, sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ; bơi và bám bám đáy. Bọ cạp cánh rộng xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất vào kỷ Ordovic (500 triệu năm trước), phát triển mạnh mẽ trong các kỷ Silur, Đevon, Carbon và biến mất hoàn toàn vào nửa đầu của kỷ Permi (280 triệu năm trước). Trước đó, năm 2002, các nhà khoa học người Anh Simon J. Braddy, Paul A. Selden và TS. Đoàn Nhật Trưởng (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) lần đầu tiên đã phát hiện ra hóa thạch Bọ cạp cánh rộng, trong các lớp đá bột kết ở sườn núi phía đông làng Ngọc Xuyên, bán đảo Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; trong đó có loài mới Rhinocrcinosoma dosonesis; được xác nhận tuổi từ Sliur muộn đến Đevon sớm (415 - 410 triệu năm trước). Việc phát hiện hóa thạch Bọ cạp cánh rộng, cùng với các nhóm hóa thạch khác như: thực vật ngành Thạch tùng, Tay cuộn không khớp, Cá cổ, Hai mảnh vỏ, Chân đầu (thời gian qua) cho phép các nhà cổ sinh định tuổi và tái tạo lại hoàn cảnh cổ địa lý và môi trường hình thành các trầm tích chứa chúng ở khu vực duyên hải Đông Bắc Việt Nam |
Theo Báo Đất Việt |