Anh Nguyễn Đức Nguyên, ở thôn 3, xã Vạn Phúc cho biết: Trước đây, dù làm đủ nghề nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn rất khó khăn. Mấy năm gần đây, nhờ thực hiện mô hình chuyển đổi VAC, nuôi cá, trồng rau nên thu nhập của gia đình đã tăng lên, đời sống cũng được nâng cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng. Cũng nhờ đó mà gia đình anh sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, đồng thời đảm bảo cho hai con học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Tương tự, gia đình anh Chử Văn Toản ở thôn 1, cách đây vài năm thuộc vào diện nghèo nhất nhì xã, nhưng khát vọng thoát nghèo mãnh liệt đã khiến anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chất lượng cao như cam Canh, bưởi Diễn... Kết quả là từ hộ nghèo, nay gia đình anh vươn lên hộ giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi 3 con ăn học.
Trồng quất bán quả xanh, một hướng đi khá hiệu quả của nhiều hộ dân xã Vạn Phúc
Ông Chử Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết: Nằm bên dòng sông Hồng nhưng xã Vạn Phúc không có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế vì là xã vùng bãi, vùng thoát lũ không có nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, dù là vùng thuần nông nhưng diện tích đất nông nghiệp lại rất ít, khoảng 300m2/khẩu. Song với sự năng động của mình, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, người dân đã quyết tâm đưa những loại cây có giá trị về trồng để nâng cao thu nhập.
Ngoài trồng rau màu, họ còn mạnh dạn vay vốn, thuê đất để xây dựng kinh tế trang trại và làm nghề mây tre giang đan. Hiện toàn xã có khoảng 3.000 hộ với hơn 11.000 dân, trong đó có 30% số hộ tham gia nghề mây tre đan, chủ yếu tập trung ở thôn 3. Mặc dù, do khủng hoảng kinh tế, làng nghề không phát triển mạnh như trước nhưng cũng giải quyết được đáng kể lao động trong lúc nông nhàn. Để phong trào làm giàu được phát triển rộng rãi, hàng năm, xã đều phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Những hộ có kinh nghiệm cùng chia sẻ cách làm cho những hộ nghèo trong xã để vươn lên thoát nghèo.
Đời sống được nâng cao đã khiến các gia đình quan tâm hơn tới văn hóa, giáo dục. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn xã có 40 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Giờ đây, từ nghề nông cùng với các loại hình kinh doanh khác, người dân xã Vạn Phúc đang thực sự thoát nghèo, tiến tới một đời sống văn minh, hiện đại, là cơ sở để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.