Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò của doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn ở nước ta còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng nông sản.

Để nâng cao hiệu quả công tác này, sự tham gia của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng.
 
Nhỏ và manh mún

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiến bộ KHCN đã góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nông nghiệp lên tới trên 30%. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác chuyển giao KHCN tới người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế nên năng suất lao động thấp. PGS.TS Lê Tất Khương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vùng (Bộ KH&CN) cho biết, sản phẩm nông nghiệp của nước ta chủ yếu bán dưới dạng nguyên liệu thô, ít có sản phẩm chế biến sẵn, giá trị sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở nước ta còn rất lớn như lúa từ 11 - 13%, ngô 13 - 15%, rau quả 25%, thủy sản 20%... Nguyên nhân do nền nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn là tiểu nông, sản xuất nhỏ. Hiện, cả nước có khoảng 11 triệu hộ nông dân nhưng có tới trên 7 triệu mảnh ruộng. Trong đó, bình quân đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 0,42ha/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long 0,78ha/hộ. Ruộng đất manh mún, phân tán đã làm hạn chế việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm.

Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nông thôn mới chỉ đáp ứng được yêu cầu đi lại, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, sản phẩm đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố gây cản trở lớn tới việc chuyển giao KHCN cho những vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật như điện, thủy lợi, cơ sở dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ khiến cho việc chuyển giao công nghệ mới còn khó khăn, khả năng nhân rộng thấp. Đặc biệt, đối tượng tiếp nhận KHCN chủ yếu là nông dân có trình độ dân trí chưa cao, mức thu nhập thấp nên không đủ khả năng tự đầu tư trang thiết bị ứng dụng vào sản xuất.

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp

Để ứng dụng rộng rãi KHCN vào nông nghiệp, các địa phương cần quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Bài học kinh nghiệm cho thấy, muốn đưa KHCN rộng rãi đến người nông dân phải chuyển giao vào những vấn đề người dân cần, phù hợp với điều kiện và trình độ của người dân. PGS.TS Tạ Minh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, phải chuyển giao KHCN dưới hình thức trực quan và xây dựng các mô hình để nông dân thăm quan học tập. Có như vậy công nghệ đó mới đi vào nhận thức của nông dân và được họ ứng dụng. Với những vùng khó khăn, trình độ khoa học kỹ thuật của người nông dân thấp, cần áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc, dùng nông dân giảng cho nông dân để họ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, để việc ứng dụng và chuyển giao KHCN vào sản xuất có hiệu quả, đảm bảo thành công cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi đối tượng này có vốn, khả năng đầu tư ngay từ nguyên liệu đầu vào như cung cấp giống, thiết bị hỗ trợ chuyển giao cho người dân. Hơn nữa, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường nhạy bén nên giúp nông dân bao tiêu sản phẩm đầu ra. Kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc và thực tiễn ở nước ta cho thấy, việc xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong công tác chuyển giao KHCN vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

PGS.TS Lê Tất Khương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vùng cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, trước hết phải đổi mới cơ chế hoạt động chuyển giao  theo hướng phù hợp với thị trường, xây dựng các định hướng chuyển giao KHCN trọng điểm. Đặc biệt, Nhà nước có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tín dụng… để khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao KHCN.