Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô có tổng số 154 người có uy tín (NUT).

Những năm qua, NUT ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị tại địa phương. 
Nhiều đóng góp tích cực
Bà Nguyễn Thị Huê, sinh năm 1952, dân tộc Mường, xã An Phú, huyện Mỹ Đức là một trong những NUT được đồng bào dân tộc nơi đây tin yêu, kính trọng. Trong năm 2016, tổ hòa giải xã An Phú gồm chính quyền địa phương và tập thể NUT đã tổ chức, vận động hòa giải gần 10 vụ việc liên quan tới mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai… Cùng với NUT địa phương, bà Huê đã tích cực vận động đồng bào chấp hành nghiêm túc, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bà Huê tâm niệm, muốn làm tốt công tác hòa giải, bản thân mỗi NUT phải nêu gương sáng, xây dựng gia đình êm ấm. Thực tế, 100% gia đình NUT vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa năm 2016” đã minh chứng cho điều này. 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu tặng quà cho người có uy tín vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô năm 2016.    Ảnh: Trọng Tùng

Bên cạnh tuyên truyền, nhiều NUT là những tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế. Gia đình NUT Nguyễn Văn Nghĩa (dân tộc Mường, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) là một trong số đó. Được sự hỗ trợ của Ban Dân tộc TP và Sở NN&PTNT Hà Nội, 10 năm qua, ông Nghĩa đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi bò sữa. Đến nay, đàn bò của gia đình đã có trên 10 con. Hai, ba năm trở lại đây, thu nhập từ bán sữa tươi và con giống của gia đình ông đạt không dưới 200 triệu đồng/năm. Từ chỗ là hộ thuộc nhóm cận nghèo, gia đình NUT Nguyễn Văn Nghĩa hiện trở thành một trong những hộ khá giả dưới chân núi Tản Viên.
Bà Nguyễn Thị Huê, ông Nguyễn Văn Nghĩa chỉ là 2 trong số 154 NUT thuộc vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Đóng góp cụ thể của NCUT đã và đang góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thôn, xã ngày một vững mạnh, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân và bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng dân tộc.   
Khuyến khích, động viên kịp thời
Thời gian qua, chính sách đối với NUT nói riêng, công tác dân tộc nói chung được T.Ư, TP đặc biệt quan tâm. Ban Dân tộc TP thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm cho NUT. Vào dịp Tết cổ truyền, Ban Dân tộc TP phối hợp với UBND 5 huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NUT. Những NUT không may bị ốm đau, phải điều trị tại bệnh viện cũng được hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Hàng năm, Ban Dân tộc TP hướng dẫn các địa phương bình xét, suy tôn  NUT tiêu biểu. Theo đó, năm 2016, có 50 NUT tiêu biểu  được Ban Dân tộc TP tặng giấy khen, điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của TP Hà Nội đối với NUT.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của NUT đối với sự phát triển chung của vùng đồng bào dân tộc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ngành, 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm phát huy hơn nữa vai trò của NUT trong cộng đồng, quan tâm, khuyến khích, động viên và biểu dương kịp thời NUT. Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Ban Dân tộc TP thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với NUT. Đồng thời rà soát, đề xuất TP xem xét ban hành cơ chế chính sách cho NUT, bảo đảm phù hợp với nguồn lực của TP.
Những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đã làm rất tốt công tác dân tộc.  Tôi mong muốn cùng với cả nước, Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc của T.Ư; có cơ chế hỗ trợ đặc thù, tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào vùng dân tộc có đời sống tốt hơn, từng bước tự thân thoát nghèo…
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến