Nâng cao nhận thức
Ông Nguyễn Tiến Hưởng, 65 tuổi, hội viên nông dân xã Kim Thư (Thanh Oai) cho biết: "Gia đình tôi lâu nay vẫn chủ yếu dùng hàng Việt. Từ rau, đậu, thịt, cá… đến quần, áo, giày, dép và vật tư nông nghiệp đều là hàng trong nước sản xuất. Tuy nhiên, mặt hàng nào mà Việt Nam thiếu, chúng tôi vẫn phải dùng hàng ngoại, như đồ chơi trẻ em, hàng điện tử".
Tương tự, chị Phạm Thị Thi, xã Bình Minh (Thanh Oai) cho biết, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, gia đình chị đều dùng hàng Việt. Tuy nhiên, hàng Việt cũng có một số nhược điểm như giá đắt, mẫu mã không bắt mắt… Không những thế, hàng Việt đôi khi quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo, khi mua về dùng rất không hài lòng.
Những hội viên nông dân tham gia Hội nghị tuyên truyền tại huyện Thanh Oai ngày 16/8 đều cho rằng, việc tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là vô cùng bổ ích, để người dân có ý thức, trách nhiệm hơn với sản phẩm do người Việt làm ra và có trách nhiệm hơn với đất nước. Nhưng để hàng Việt đến được nhiều hơn với người tiêu dùng, các mặt hàng sản xuất trong nước cần đảm bảo chất lượng và mẫu mã đẹp, không nên quảng cáo quá mức.
Hình minh họa.
Chung tay với nông dân
Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ 8 - 21/8, Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức 10 hội nghị tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Với thành phần là cán bộ, hội viên hội nông dân các xã, phường, thị trấn, mỗi lớp học có khoảng 120 người tham gia. Tại hội nghị, các hội viên nông dân được nghe và hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm của nhà sản xuất. Không những thế, lớp học còn giúp các nông dân ý thức hơn trong việc sản xuất ra các mặt hàng nông sản chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tại mỗi hội nghị, Hội Nông dân TP mời các chuyên gia của Hội Bảo vệ người tiêu dùng và đại diện của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đến phổ biến và trao đổi thêm. Bà Đinh Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề, Hội Nông dân TP cho biết: Từ cuối năm 2010 đến nay, Hội Nông dân TP đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cán bộ hội, phát tài liệu cho hội viên. Hội đã tổ chức được các Hội nghị tuyên truyền ở các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm… Đồng thời, ký các chương trình phối hợp với Hapro, tổ chức các hội thảo cho người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ…
Ngoài 10 hội nghị trên, từ nay đến cuối năm 2012, Hội Nông dân TP sẽ tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, các chủ trang trại và người sản xuất; đồng thời phối hợp với Hapro đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm của nông dân sản xuất ra bán được đúng giá trị, theo bà Thủy, người nông dân cần phải xây dựng được thương hiệu cho hàng hóa của mình. Hội Nông dân Hà Nội mong muốn Hapro tích cực hơn trong việc ký kết hợp đồng với các công ty, chủ trang trại để mở rộng sản xuất; hoặc UBND TP Hà Nội có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia vào việc xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ và quảng bá thương hiệu sản phẩm do nông dân sản xuất ra.