Kinhtedothi - Theo Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ TT&TT ban hành, kể từ ngày 1/3/2015, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, TP sẽ thay đổi. Quy định mới khiến đại bộ phận người dân băn khoăn, trong khi nhiều DN bày tỏ lo lắng bởi chỉ với thay đổi nhỏ này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ, rõ nhất là phải in ấn lại toàn bộ bao bì, nhãn mác, biển bảng... có ghi liên hệ mã vùng.
Quy hoạch kho số cũ đã... lạc hậu!
Theo lý giải của đại diện Bộ TT&TT, trong những năm vừa qua, số lượng thuê bao điện thoại di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm. Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động khoảng 130 triệu, trong đó, số lượng thuê bao điện thoại cố định khoảng gần 7 triệu (chiếm khoảng 5%), số lượng thuê bao điện thoại di động khoảng hơn 120 triệu (chiếm khoảng 95%). Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, tổng số đầu mã tối đa có thể quy hoạch làm mã vùng và mã mạng là 9. Theo quy hoạch kho số cũ thì có tới 7 đầu số được dành cho dịch vụ điện thoại cố định và chỉ có 2 đầu số dùng cho di động. Thế nhưng, trước xu hướng suy thoái của điện thoại cố định hiện nay thì quy hoạch cũ là một sự lãng phí. “Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định” - đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Vì vậy, Bộ TT&TT đã đưa ra giải pháp được cho là ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng là quy hoạch lại đầu số dùng cho cố định. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ dành 8 đầu số dùng cho di động, chỉ còn một đầu số dùng cho
dịch vụ cố định. Như vậy, bắt buộc phải thay đổi mã vùng điện thoại cố định. Với quy hoạch mới này sẽ có khoảng 540 triệu số thuê bao di động 10 số, đủ để cung cấp cho mỗi người dân trung bình là 6 thuê bao.
Quy hoạch mới cũng giải quyết bất cập do không có sự thống nhất trong độ dài quay số, dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ. Cụ thể là: Về độ dài mã vùng, 2 TP (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) có độ dài 2 chữ số; 61 tỉnh/TP có độ dài 3 chữ số. Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định vẫn giữ nguyên như hiện tại. Như vậy, độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia là “0”.
Cùng với việc quy hoạch này, Bộ TT&TT sẽ chuyển toàn bộ thuê bao di động 11 số hiện nay thành thuê bao 10 số bằng cách dùng đầu số cố định hiện nay như: 080xxxxxxx, 030xxxxxxx, 050xxxxxxx. 040xxxxxxx, 070xxxxxxx để tạo công bằng cho người sử dụng. 7 số cuối của thuê bao di động 11 số hiện nay vẫn được giữ nguyên khi tiến hành đổi số.
Doanh nghiệp lo tốn kém
Ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc VNPT cho biết, tính đến hết tháng 11/2014, thuê bao cố định của VNPT đã sụt giảm 410.000 thuê bao. Nếu với đà sụt giảm như vậy, mỗi năm, VNPT sẽ mất khoảng 120.000 thuê bao điện thoại cố định. Trong khi đó, các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối, các hãng taxi... sẽ tốn kém hàng tỷ đồng do phải in ấn lại toàn bộ bao bì, nhãn mác, biển quảng cáo, tờ rơi, danh bạ điện thoại, lịch, quà tặng... Ông Trịnh Hải Lâm - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiêu chuẩn A than thở, quy định mới này tuy đến tháng 3 mới có hiệu lực nhưng thực tế thì việc in ấn đã được DN hoàn thiện cách đây cả nửa năm. “Chúng tôi đang phát triển hệ thống phân phối, nếu không kịp thay đổi điện thoại liên hệ trên bao bì, nhãn mác thì sẽ sụt giảm kết nối với khách hàng ngay” - ông Lâm lo lắng.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, thay đổi mã vùng số điện thoại cố định là cần thiết trong điều kiện kho số đang cạn. Tuy nhiên, Bộ TT&TT nên cân nhắc thực hiện có lộ trình, tránh tình trạng “được việc của mình mà hỏng việc của người khác”, bởi điều kiện kinh tế hiện nay còn khó khăn.
Chưa chốt thời gian
Trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông cho biết, Thông tư số 22/2014/TT - BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực từ 1/3/2015, nhưng đây chưa phải là mốc thời gian áp dụng chính sách thay đổi mã vùng điện thoại cố định. Việc thay đổi sẽ được thực hiện có lộ trình sau khi các DN viễn thông chuẩn bị sẵn sàng về mặt kỹ thuật và thông báo cho khách hàng. Theo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, khi tiến hành đổi số thuê bao, DN cung cấp dịch vụ phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng; cho phép gọi đồng thời số cũ và số mới trong vòng 60 ngày.
Việc thay đổi mã vùng điện thoại sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp khi quảng cáo. Ảnh: Chiến Công
|
Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ được thực hiện theo từng khu vực (mỗi khu vực có từ 7 - 10 tỉnh, thành), trong khoảng 2 năm. |