Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Phát sốt" vì nợ công châu Âu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình hình tài chính tại Cộng hòa Síp chưa ổn định thì Bồ Đào Nha lại tiếp tục trở thành vấn đề đau đầu mới của châu Âu khi Tòa án Hiến pháp nước này bác bỏ một số chi tiết trong ngân sách quốc gia năm 2013, gây ra nguy cơ không được nhận gói cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế

 Sau khi nghiên cứu Dự thảo ngân sách 2013, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha đã bác bỏ việc cắt giảm tiền thưởng trong ngày nghỉ lễ của công chức và người được hưởng trợ cấp. Phán quyết được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) về gia hạn các khoản nợ đáo hạn cho Bồ Đào Nha được coi là một cú sốc đối với chính quyền của Tổng thống Cavaco Silva. Sau một thời gian tạm lắng, lãnh đạo Bồ Đào Nha lại phải bận rộn với lịch làm việc vào cuối tuần khi Chính phủ tiến hành phiên điều trần đặc biệt hôm 7/4 nhằm bàn thảo biện pháp vượt qua tình cảnh bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, rất khó để giảm thâm hụt ngân sách từ 6,4% năm 2012 xuống 5,5% trong năm nay theo cam kết với các chủ nợ quốc tế. Rất có thể phán quyết trên sẽ khơi mào cho các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.

"Phát sốt" vì nợ công châu Âu - Ảnh 1

 

Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở Bồ Đào Nha.

 

Trong một diễn biến khác, Chính phủ lâm thời Italia hôm 6/4 đã cam kết sẽ thanh toán khoản nợ 40 tỷ Euro cho các công ty tư nhân có thể bắt đầu từ ngày 8/4 nhưng bài toán khó mà Rome cần phải giải là tìm cách đảm bảo ngân sách không bị thâm hụt dưới mức EU đưa ra. Việc tồn đọng lượng lớn các hóa đơn chưa thanh toán của Chính phủ đã bị các công ty khiếu nại trong một thời gian dài, khiến nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng tiền chung châu Âu bị mất uy tín nghiêm trọng trên thị trường vốn quốc tế. Tình hình tại Cộng hòa Síp cũng gây ra lo ngại về một phương thức cứu trợ gây thiệt hại nặng cho những người có tiền gửi trong ngân hàng. Kế hoạch giải cứu Síp cũng chính thức xóa bỏ một "thiên đường thuế" của trên bản đồ tài chính châu Âu và thế giới.

Cũng liên quan đến châu Âu, danh sách bê bối thực phẩm tại lục địa già tiếp tục được nối dài khi tập đoàn bán lẻ Ikea tại Thụy Điển phải thu hồi 17.000 hộp mỳ thịt nai sừng tấm Bắc Mỹ bị phát hiện chứa khoảng 1,6% thịt lợn. Với bê bối thịt ngựa giả bò từng làm chao đảo châu lục này trước đó, niềm tin của người tiêu dùng vào vấn đề an toàn thực phẩm vốn được cho là khắt khe nhất thế giới của châu Âu tiếp tục bị xói mòn nghiêm trọng.

Trong khi đó, nhằm khống chế dịch cúm H7N9, vốn đang diễn biến nhanh chóng, bất thường, Trung Quốc đã phê duyệt thuốc Peramivir, một loại thuốc chống cảm cúm mới được cho là có khả năng điều trị hữu hiệu virus cúm gia cầm H7N9. Đến nay, ít nhất 18 trường hợp nhiễm loại biến thể cúm gia cầm mới này đã được ghi nhận, 6 trường hợp đã tử vong. Tại các địa phương có người bị nhiễm cúm, cơ quan chức năng đã cho ngừng hoạt động kinh doanh gia cầm sống, tiêu hủy gia cầm có dấu hiệu nhiễm virus nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch.