Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phật tại tâm

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng". Thật ra từ nhiều năm lại đây, không phải đợi đến ngày Rằm tháng đầu tiên của năm mới lịch ta, mọi người mới đi lễ chùa.

Ngay từ ngày đầu năm mới, sau phút giao thừa, nhiều gia đình đã cùng nhau lên chùa lễ Phật để cầu một năm mới an lành, may mắn. Đó cũng là một trong những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là cao điểm của mùa đi lễ vẫn là vào dịp Rằm tháng Giêng. Có lẽ một trong những lý do để tạo nên tập tục này là Rằm tháng Giêng nhằm ngày vía của đức Phật A Di Đà, mà theo quan niệm của Phật giáo, vị Phật này là giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc gắn với tương lai tốt đẹp, an lành, không có khổ đau.
Và cũng có một nguyên nhân khác, xuất phát từ phong tục coi trọng sự khởi đầu của người Việt, với suy nghĩ đầu xuôi thì đuôi lọt. Bởi vậy trong những ngày đầu năm, đầu tháng, người dân thực hiện các nghi lễ cúng bái, kiêng kị cẩn thận những mong mọi sự trong tháng, trong năm đều xuôi chèo mát mái. Quan niệm đó dẫn đến việc coi trọng cả tháng đầu năm là tháng Giêng với hai tiết sóc, vọng là ngày mồng Một với Tết Nguyên Đán và ngày Rằm tháng Giêng.
Cũng bởi quan niệm đó mà từ nhiều năm nay, dịp Rằm tháng Giêng là dịp các thiện nam tín nữ đi lễ chùa đông nhất, đặc biệt là những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng như chùa Hương Tích, to đẹp như Bái Đính… Như trên đã nói, đó là một nét đẹp truyền thống. Nhưng có điều cũng đáng buồn, nét đẹp truyền thống ấy nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác đã bị biến tướng, nhuốm màu mê tín, dị doan, thậm chí có “mùi” thương mại hóa.
Bằng cớ là rất nhiều người lên chùa lễ Phật mà dường như không thấu hiểu đạo lý nhà Phật. Không kể đến những cách hành xử thiếu văn hóa như ăn mặc hở hang, cười nói ồn ào gây mất trật tự nơi cửa Thiền mà ai cũng thấy là đáng chê trách, còn nhiều việc làm khác đã được nhắc nhở mà không mấy thuyên giảm. Tỉ như việc đến trước cửa Phật cầu xin mua may, bán đắt, thăng quan tiến chức… Hay việc dâng cả lễ mặn rượu, thuốc lên ban thờ Phật, hóa vàng mã trong chùa, nhét cả tiền vào tay tượng Phật…
Cần nhớ rằng cùng với câu “Đi lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, còn có câu “Phật tại tâm”. Trong văn hóa truyền thống, khi một năm mới tới, người ta đi chùa là để hướng lòng thành kính về đức Phật, với cái tâm hướng thiện. Kinh điển nhà Phật luôn dạy rằng “Phật tại tâm”, nghĩa là trong mỗi con người vốn đã có Phật tính.
Đi lễ chùa nhằm gia tăng Phật tính, tìm cái thiện ở trong chính bản thân mình, khơi dậy thiện niệm vốn sẵn có trong mỗi con người, đặng có những việc làm suy nghĩ tốt đẹp, cái gốc của hạnh phúc, an lành. Cho nên, đi lễ chùa vốn chỉ là để làm khởi phát thiện tâm của mỗi người, làm theo những điều Phật dạy tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng, từ bỏ tham, sân, si…
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cũng chính từ quan niệm đó, có thể hiểu rằng ngoài những dịp như ngày Rằm, mùng Một, người ta có thể đi lễ chùa vào bất cứ lúc nào, miễn là có tâm thành hướng tới sự tốt đẹp an lành cho bản thân và gia đình, cộng đồng.
Nói cách khác là không nhất thiết bằng mọi cách phải chen lấn, xô đẩy trong đám đông cả ngàn vạn người, trong khói hương mù mịt, trong xô bồ hỗn tạp để đi lễ chùa vào một ngày nào đó khiến cuộc hành hương trở thành một cuộc hành xác, chưa nói đến việc có sự thanh thản mà hướng tâm về Đức Phật. Có điều kiện, thì đi lễ vào ngày tuần, ngày rằm, nếu không có thể đến cửa Thiền vào bất cứ lúc nào với tâm trí thảnh thơi.
Nhìn cảnh hàng chục ngàn người đổ xô về Chùa Hương, chen vai thích cánh, người viết bài này lại nhớ một lần viếng thăm Nam thiên đệ nhất động vào quãng tháng Chín lịch ta. Quả thật là lúc ấy mới cảm thấy sự linh thiêng nơi đất Phật, càng thấm nhuần những lời răn của Đức Thích Ca Mâu Ni. Và lại nghĩ, đi lễ mà lo chen lấn, tranh giành, thậm chí to tiếng, xích mích với nhau liệu có còn thanh thản, cái tâm có trong sáng được như lời răn của Phật
Lại có một điều rất đáng quan tâm. Ấy là hầu hết người đi lễ đều đổ dồn về những ngôi chùa nổi tiếng mà quên một điều cơ bản, Phật tại tâm thì đâu cũng là Phật, từ những cơ sở thờ tự nguy nga, tòa ngang dãy dọc như Bái Đính, Ba Vàng… cho đến những ngôi chùa làng giản dị, đơn sơ nơi thôn ấp. Có câu, “tâm xuất, Phật biết”, vậy thì có nên bỏ quên những ngôi chùa làng núp dưới bóng tre xanh, nơi ta có thể tĩnh tâm mà thắp nén hương cầu Phật để nhất thiết tìm đến những nơi ồn ào chen lấn nhuốm mùi trần tục?
Nói vậy không có nghĩa là ngăn cản mọi người hành hương về những ngôi chùa nổi tiếng, những di tích danh thắng với mục đích vừa lễ Phật vừa chiêm bái những di tích lịch sử, văn hóa của đất nước, đặc biệt là trong mùa Xuân, mùa của lễ hội, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, của sự bắt đầu tốt đẹp.
Tuy nhiên, cũng cần quan niệm cho đúng, tránh đẩy mình vào những cuộc hành hương theo kiểu hành xác, theo phong trào, vô hình trung làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng tốt đẹp của việc lên chùa lễ Phật, một nét đẹp ngàn đời của dân tộc.
Nhắc lại đôi chút những điều không mới để dịp Rằm tháng Giêng này cũng như suốt cả năm, mỗi người chúng ta khi lên chùa lễ Phật đều có sự lựa chọn, đặng dọn cho mình một tâm thế phù hợp, trả lại cho công việc này ý nghĩa đẹp đẽ, hướng thiện vốn có của nó!