Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ các vấn đề liên quan tới xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ trái qua) tại phiên khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng châu Á ngày 10/5. |
Sự phối hợp giữa Grow Asia Forum và Bộ NN&PTNT Việt Nam xuất phát từ cam kết giữa Bộ và Diễn đàn Kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2010 về Tầm nhìn nông nghiệp mới. Cụ thể, phấn đấu đến 2020 đạt được mục tiêu 20:20:20, tức là tăng năng suất 20%, giảm đói nghèo 20% và giảm phát thải 20%. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã phối hợp với các công ty đa quốc gia tổ chức các nhóm công tác đối tác công - tư theo ngành hàng, bao gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hàng hóa chung, hồ tiêu và gia vị, hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp. Hiện nay, Bộ đang xem xét mở rộng ra ngành hàng lúa gạo và chăn nuôi.Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty trong phát triển nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường tính cạnh tranh. Đồng thời, đảm bảo các tiêu chí của nông nghiệp xanh, sạch.Một ví dụ điển hình là Nhóm công tác PPP cà phê, được thể chế hóa thành Ban Điều phối ngành hàng Cà phê Việt Nam. Đây là Ban ngành hàng nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam có sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân đều có tiếng nói đại diện, bình đẳng để cùng ra quyết định vì ngành hàng cà phê phát triển bền vững. Sau 5 năm hoạt động, các công ty đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và nông dân trong 17 dự án, có tác động tích cực đến hơn 130.000ha (chiếm 20% tổng diện tích gieo trồng cà phê cả nước). Tỷ lệ giảm phát thải nhà kính trung bình từ các chương trình, dự án từ 16 - 19%.Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, đặc sản lợi thế vùng miền. Việc phát triển các chuỗi giá trị này đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, phát triển bao trùm và đảm bảo xanh, sạch.Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn Grow Asia Forum đồng hành cùng Bộ thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu trên thông qua việc tiếp tục củng cố và mở rộng thêm các nhóm công tác ngành hàng, ít nhất là các sản phẩm chủ lực quốc gia như gạo, chăn nuôi, điều, gỗ và đồ nội thất. Đồng thời giới thiệu và kết nối các tập đoàn đa quốc gia với các DN trong nước, tổ chức nông dân nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt, tăng cường chuyển giao công nghệ và gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.