Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Khai thác tiềm năng các hợp tác xã

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các HTX lựa chọn sản phẩm đặc trưng để cải tiến chất lượng, tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình.

 Một phân xưởng sản xuất tại Bát Tràng. Ảnh: Hải Linh
Hơn 38% sản phẩm OCOP đến từ hợp tác xã
Tại Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất tổ chức cuối năm 2019, bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của HTX Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã gây ấn tượng mạnh với đông đảo du khách thăm quan bởi đường nét chế tác tinh xảo cùng chất lượng men gốm đạt tiêu chuẩn cao.
Bộ gốm men suối ngọc được Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP TP Hà Nội đánh giá là sản phẩm có tiềm năng 5 sao, đủ điều kiện để đề xuất Bộ NN&PTNT xét công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Điều đáng nói, HTX Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh là HTX duy nhất và là một trong số 5 chủ thể có sản phẩm tiềm năng 5 sao tính đến nay của Hà Nội.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tập thể không chỉ có sản phẩm gốm men suối ngọc đến từ huyện Gia Lâm được đánh giá cao.
Thống kê cho thấy, toàn TP hiện có 301 sản phẩm được cấp từ 3 đến 5 sao, trong đó có đến 115 sản phẩm là của các HTX sản xuất (chiếm 38,2% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá).
Cùng với số lượng sản phẩm OCOP chiếm tỷ lệ cao, các HTX cũng chiếm đến 44% tổng số chủ thể có sản phẩm được cấp sao. Cụ thể, toàn TP hiện có 33 HTX có sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong tổng số 75 chủ thể được đánh giá.
“Nguồn” hợp tác xã có tiềm năng lớn 
Những số liệu trên cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã và đang có đóng góp rất tích cực cho mục tiêu của Chương trình OCOP của Hà Nội. Việc có nhiều HTX tham gia đóng góp sản phẩm cũng cho thấy Chương trình OCOP đã và đang tạo ra sân chơi bình đẳng, minh bạch giữa các chủ thể sản xuất.
Theo đánh giá, sản phẩm OCOP của các HTX hiện rất đa dạng. Các sản phẩm OCOP của các HTX hiện đã góp mặt tại hầu hết nhóm lĩnh vực, từ thực phẩm, đồ uống, thảo dược, đến vải – may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ. Cùng với đó, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các HTX còn rất lớn, bởi toàn TP hiện có tới 1.183 HTX đang hoạt động có “nguồn” sản phẩm tiềm năng đạt OCOP, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Ứng Hòa… Trong số này, có 183 HTX được đánh giá là hoạt động tốt và 403 HTX hoạt động khá.
Để thúc đẩy phát triển các HTX gắn với Chương trình OCOP đến năm 2020, theo Liên minh HTX TP, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần nâng cao hơn nữa hoạt động của các HTX. Do đó, thời gian tới, Liên minh HTX TP sẽ chủ động phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, thị xã, tập trung hỗ trợ các HTX xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Trong đó, chú trọng cải tiến năng lực sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ các HTX, mở rộng thông tin tuyên truyền để các HTX biết, tham gia Chương trình OCOP. Đối với các HTX đã có sản phẩm được cấp sao, Liên minh HTX TP tiếp tục tư vấn, hỗ trợ HTX trong thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm phục vụ công tác quản lý, nhận diện. Bên cạnh đó, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của các HTX.