Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển đàn bò ở xã đảo Minh Châu

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì) được biết đến là một trong những vùng chăn nuôi bò tập trung lớn của Hà Nội. Việc phát triển đàn bò những năm qua đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

Chăn nuôi bò góp phần cải thiện đời sống của người dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của UBND xã Minh Châu, 5 năm trước, ông Nguyễn Bá Lợi ở thôn Chu Châu bắt tay vào chăn nuôi bò. Hiện, gia đình ông đang nuôi 10 con bò, gồm cả bò sinh sản và bò thịt. Nhờ được cán bộ chăn nuôi – thú y xã hướng dẫn chăm sóc, đàn bò của gia đình ông Lợi sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm bò sinh sản cho 1 lứa. Giá bê phụ thuộc thị trường, nhưng vẫn dao động từ 18 – 25 triệu đồng/con (từ 4 – 6 tháng tuổi). Từ khi chuyển sang chăn nuôi bò, kinh tế của hộ ông Lợi dần ổn định.
Hiện tại xã đảo Minh Châu có đến 90% tổng số hộ dân đang tham gia chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, bò sữa. Tổng đàn bò toàn xã hiện có khoảng 3.969 con; trong đó, bò sinh sản là 2.621 con; bò sữa là 1.090 con. Sự phát triển của đàn bò giúp giá trị mang lại từ lĩnh vực chăn nuôi năm 2019 của xã Minh Châu đạt khoảng 146 tỷ đồng, bằng 77% cơ cấu kinh tế nội ngành. Chăn nuôi bò hiện trở thành nguồn kế sinh nhai quan trọng của nhiều hộ dân trong xã với mức thu nhập bình quân đầu người dân đạt hơn 45 triệu đồng/năm. Cánh đồng rộng hơn 200ha tại vùng bãi giờ đây chỉ bạt ngàn các loại cỏ và cây ngô – những loại thức ăn phục vụ cho chăn nuôi bò. Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Hiên, một hộ chăn nuôi bò lâu năm tại xã Minh Châu, khó khăn hiện nay đối với người chăn nuôi bò vẫn rất lớn, trong đó, giá cả thị trường bấp bênh là điều khiến nông dân trăn trở nhất.
Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt cho biết, thực tế hiện nay chăn nuôi tại địa phương vẫn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình chỉ có 5 – 10 con bò. Xã chưa có mô hình chăn nuôi trang trại; chưa tạo ra được thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Do đó, giá trị kinh tế từ chăn nuôi bò nói riêng chưa đáp ứng được kỳ vọng… Nhận định chăn nuôi bò vẫn sẽ là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, ông Đạt cho biết địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại xa khu dân cư, gắn với bảo vệ tốt môi trường. Xã cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc UBND huyện Ba Vì, nghiên cứu, có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm sữa bò, tập trung vào xây dựng thương hiệu, chất lượng đàn bò thịt, tiến tới tiếp tục nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.