Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển ĐH Kinh tế Quốc dân gắn với mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần II.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Thành lập tháng 1/1956 với tên gọi ban đầu Trường Kinh tế Tài chính, đến tháng 1/1965 đổi tên thành Trường ĐH Kinh tế Kế hoạch và tháng 10/1985 đổi thành Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đến nay, ĐH Kinh tế Quốc dân đã trở thành trường ĐH hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường hiện có 1.200 cán bộ, giảng viên và công nhân viên, trong đó có 138 giáo sư, phó giáo sư, 328 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ và 559 người có trình độ thạc sĩ…; với quy mô đào tạo hơn 300.000 người thuộc các bậc đào tạo ĐH và sau ĐH.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Tới đây, trường phấn đấu giữ vững vị thế của một trường ĐH trọng điểm quốc gia và phát triển theo định hướng nghiên cứu chuẩn mực của khu vực và quốc tế, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng trọng tâm là kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vì thành tích xuất sắc trong công tác GD&ĐT từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng và xúc động được về nơi mình đã từng học giai đoạn 1973 - 1977.

“Tôi rất tự hào đã từng là sinh viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là những thầy cô đã trực tiếp dạy tôi. 60 năm qua, các thế hệ thầy cô giáo, CBCNV, sinh viên, nghiên cứu sinh của trường đã nỗ lực, chủ động và sáng tạo trong thực hiện sứ mệnh của mình, viết nên truyền thống vẻ vang, từng bước tạo được vị thế của nhà trường trong khu vực và thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực, xác định đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng, tuy nhiên, giáo dục ĐH còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và xu thế phát triển ĐH. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không được tự hài lòng với những gì đã đạt được, phải chủ động vươn lên với tinh thần tiến công đột phá.”

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị nhà trường nghiên cứu một số nội dung có tính định hướng như phát triển ĐH Kinh tế Quốc dân gắn với mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp, luôn đi đầu đóng góp thiết thực tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp và xây dựng chương trình quốc gia khởi nghiệp. Nhà trường cần đổi mới mạnh mẽ hơn mục tiêu, chương trình đào tạo, giáo trình và phương pháp dạy và học để đào tạo được nguồn nhân lực có kỹ năng làm việc, năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trường cần đẩy mạnh triển khai thực hiện thành công mô hình trường ĐH công lập tự chủ - chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục, là yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới quản trị trường; Nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH, gắn kết chương trình đào tạo ĐH và kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội, thực hiện tốt liên kết với DN để ứng dụng nghiên cứu khoa học và tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; gắn liền với giáo dục lý tưởng, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên.

Trường cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động, nghiên cứu khoa học và tư vấn; chủ động tìm hiểu, phát hiện nhu cầu, nâng cao năng lực, coi trọng chất lượng nghiên cứu và tư vấn.

Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị ĐH Kinh tế Quốc dân và một số trường có tiềm lực nghiên cứu khoa học nghiên cứu một số đề án cấp quốc gia, cấp vùng, phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen và Cờ thi đua của Thành ủy Hà Nội cho tập thể Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhằm ghi nhận những đóng góp của nhà trường đối với TP Hà Nội. 

“Tôi đặt niềm tin lớn vào sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân cũng như các trường ĐH của Việt Nam, kể cả du học sinh Việt Nam ở nước ngoài; mong các em thi đua học thật giỏi, rèn luyện đạo đức, không ngừng nêu cao tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc, có hoài bão lớn về tương lai, chuẩn bị thật tốt hành trang vào đời, quyết tâm khởi nghiệp.

Tôi đề nghị nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập nghiên cứu khoa học, quan tâm chăm lo sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Tôi cũng rất mong những ai đã từng công tác, học tập tại trường, dù ở cương vị nào cũng luôn phát huy tài năng, sức sáng tạo, tinh thần yêu nước, đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc - chính là hành động thiết thực xây dựng hình ảnh, uy tín của ĐH Kinh tế Quốc dân thân yêu. Xin chúc nhà trường không ngừng nâng cao uy tín, danh tiếng trong khu vực và quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Với mong muốn tập thể sư phạm ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng cho nhà trường bức ảnh Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Nguyên Hiệu trưởng danh dự của Trường. Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng khen và Cờ thi đua của Thành ủy Hà Nội cho tập thể Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhằm ghi nhận những đóng góp của nhà trường đối với TP Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 11 cá nhân là người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục Việt Nam.