Phát triển đô thị thông minh giàu bản sắc và hiện đại: Tạo đột phá bằng các nguồn lực của xã hội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển đô thị thông minh giàu bản sắc, văn minh và hiện đại được xem là tiêu chí hàng đầu trong công tác quy hoạch xây dựng của Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Vấn đề này không chỉ ở các tiêu chí tính toán mà đề cao tính thực tiễn, gắn với cuộc sống, mang tính chiến lược và đảm bảo phát triển bền vững.
Tạo dựng giá trị cốt lõi

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Thục – Viện trưởng Viện nghiên cứu dân cư, để xây dựng một đô thị thông minh, điều kiện cần chính là “con người đô thị”. Con người ở đô thị là những người có nhận thức và hành vi ứng xử phù hợp với môi trường sống ở đô thị. Cùng với đó, phải tạo dựng những "giá trị cốt lõi" của đô thị, đó là môi trường, chất lượng cuộc sống gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống và bảo tồn những di sản kiến trúc, công trình lịch sử.
 Xây dựng đô thị thông minh là tạo ra giá trị cốt lõi cho Thủ đô (Ảnh minh họa)
Trong giai đoạn hiện nay, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước rất nhiều áp lực, hệ thống hạ tầng chưa phát triển kịp với tình trạng gia tăng dân số, đặc biệt là sự gia tăng cơ học về dân số tại khu vực các quận nội thành, do sức hút về dân cư vào khu vực nội thành tìm kiếm việc làm vẫn tiếp tục tăng cao. Trong khi đó việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh vẫn đang trong quá trình thực hiện nên chưa thể khuyến khích được di dân từ trung tâm ra ngoài ngoại thành.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Lê Vinh cho biết, để nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử tại khu vực đô thị lõi của Thủ đô, thời gian quan TP Hà Nội đã xây dựng đề án hướng tới năm 2030 ở riêng khu vực nội đô lịch sử sẽ giảm lượng dân cư từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người.

"Trong thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực ngoại thành. Có các chính sách khuyến khích cụ thể để đẩy mạnh đầu tư vào các đô thị vệ tinh, hình thành các khu nhà ở chất lượng cao và nhiều tiện ích như trường học, bệnh viện, siêu thị… nhằm tạo ra lực hút đủ lớn để kéo dòng dịch chuyển dân cư đến những nơi này. Quá trình quản lý xây dựng đô thị kết hợp tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo hướng bền vững.' - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Lê Vinh

Cùng với việc giãn dân, Hà Nội cũng đồng thời triển khai di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học, trụ sở bộ ngành ra khu vực nội thành. Triển khai theo Luật Thủ đô và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trên cơ sở những đề xuất của TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg giao các đơn vị ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời.

Vấn đề xây dựng “giá trị cốt lõi” của Thủ đô vẫn đang trong lộ trình thực hiện, trong đó tập trung vào việc xây dựng một đô thị thông minh để nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi, đó là những thách thức ngắn hạn như: ngập lụt, tắc nghẽn giao thông… và đáp ứng cho quá trình phát tiển bền vững trong tương lai.

Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Ông Lê Vinh cho biết thêm, trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, TP đã định hướng: phát triển đô thị thông minh có bản sắc, văn minh, hiện đại bằng việc xây dựng các công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị theo hướng bền vững, khuyến khích áp dụng một số tiêu chí “đô thị xanh”, “công trình kiến trúc xanh”… đáp ứng các tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế.

Để thực hiện được định hướng này, một mặt TP đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung phê duyệt nhanh các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong Luật Thủ đô; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính tạo ra những con người đủ điều kiện tri thức, sáng tạo, thích ứng với xu hướng của cách mạng công nghệ 4.0.

Cũng theo ông Lê Vinh, để thực hiện được những định hướng như vậy thì cần một nguồn lực lớn về tài chính, thông qua huy động các nguồn lực xã hội. Trong thời gian qua TP đã thực hiện quản lý các mô hình và phương thức hợp tác kinh doanh nhằm thúc đẩy, tạo đột phá và phát huy các nguồn lực của xã hội, với sự tham gia của khu vực tư nhân đối với các dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng của TP thông qua các hình thức: BOT, BT, PPP…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần