Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển đô thị vệ tinh: Đẩy nhanh xây dựng hạ tầng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 5 khu đô thị vệ tinh (ĐTVT) gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Để kết nối trung tâm TP với các ĐTVT rất cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng khung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, cũng như của cả vùng.

Từ nhu cầu thực tế
Phát triển ĐTVT là vấn đề đã được nhiều quốc gia thực hiện từ khoảng nửa thế kỷ nay. Ở Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hạ tầng tại nhiều khu vực đô thị lõi rơi vào tình trạng quá tải, nên phát triển ĐTVT là xu hướng chung mà các đô thị lớn của Việt Nam đang hướng tới. Việc phát triển ĐTVT sẽ giải quyết được những áp lực đô thị trung tâm như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, đặc biệt tạo ra sự đồng đều trong quá trình phát triển giữa các khu vực.
 Đại lộ Thăng Long chụp từ trên cao. Ảnh:  Xuân Chính
Theo khảo sát của Nhóm tư vấn và điều tra các chỉ số dân cư Hà Nội, hiện nay, tại khu vực nội đô TP có khoảng 3,7 triệu người đang sinh sống và làm việc, chiếm khoảng 50% dân số Thủ đô. Mật độ dân số trung bình là 2.279 người/km2, tuy nhiên dân cư phân bố không đều, mật độ dân số trung bình của 12 quận tới 11.220 người/km2, trong đó cao nhất là quận Đống Đa: 42.171 người/km2, thấp nhất là quận Long Biên: 4.840 người/km2, cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn TP. Dân số tăng là một trong những nguyên nhân tạo ra áp lực về hạ tầng bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, nảy sinh các vấn đề xã hội khác cho TP, đặc biệt ùn tắc giao thông, nhà ở…

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 ĐTVT. Mỗi ĐTVT có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với khu vực đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp và dịch vụ.

Đô thị trung tâm là khu vực nội đô hiện tại được phát triển mở rộng về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4; về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông với khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đồ án quy hoạch này sẽ giải quyết bài toán về gia tăng dân số áp lực lên hệ thống hạ tầng và tạo đòn bẩy cho quá trình phát triển của Thủ đô.

Giải quyết vấn đề hạ tầng khung

Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, hạ tầng khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, bao gồm: Các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật. Trong đó hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng cho sự kết nối giữa ĐTVT với đô thị trung tâm.

Trước những áp lực về gia tăng dân số, việc xây dựng các đô thị vệ tinh được coi là vấn đề tất yếu, tạo ra sự giãn nở cho hệ thống hạ tầng và phân bố lại lượng dân cư. Xây dựng ĐTVT là biểu hiện của một TP văn minh, hiện đại và đáp ứng với nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. - TS. KTS Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT Vinaconex R&D

Tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 519/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó kế hoạch sẽ xây mới 4 trục đường nối đô thị trung tâm với các ĐTVT với chiều dài khoảng gần 100km. Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40 – 60m, tối thiểu 6 làn xe cơ giới, bao gồm trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km; trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới ĐTVT Hòa Lạc dài khoảng 25km; trục Hà Đông – Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới ĐTVT Xuân Mai dài khoảng 20km; trục Ngọc Hồi – Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới ĐTVT Phú Xuyên dài khoảng 25km.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với ĐTVT và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi – Phú Xuyên, Hà Đông – Xuân Mai, trục Hồ Tây – Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá – Quan Sơn, trục kinh tế Bắc – Nam, Miếu Môn – Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài – Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng. Đồng thời, xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng, 3 cầu qua sông Đuống, 2 cầu qua sông Đà. Đây sẽ là điều kiện quan trọng tạo cho các ĐTVT phát triển.

Theo PGS.TS Vũ Thị Vinh – Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam, qua kinh nghiệm thực tiễn từ Hàn Quốc và một số nước châu Á, trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị, Thủ đô Hà Nội cần phải có sự kết nối giữa ĐTVT với TP trung tâm thông qua hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh như đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị. Để có nguồn kinh phí lớn làm việc này, cần huy động từ nhiều nguồn: Ngân sách của TP, các thành phần tư nhân và sự đầu tư của Chính phủ. “Thủ đô Hà Nội sẽ có 4 đường giao thông lớn kết nối từ TP trung tâm với các ĐTVT. Chúng ta mong đợi những chủ trương đó sẽ trở thành hiện thực và trong tương lai gần sẽ có 1 đến 2 ĐTVT của Hà Nội được thực hiện thành công” - PGS.TS Vũ Thị Vinh nói.