Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển du lịch cộng đồng: Phải đảm bảo lợi ích các bên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, nhưng muốn thành công, phải đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia.

Xác định du lịch cộng đồng sẽ là mũi nhọn trong định hướng phát triển du lịch của huyện Ba Vì, Sở VHTT&DL đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát và đặt hàng Khoa Du lịch - Viện Đại học Mở nghiên cứu lộ trình, bước đi cụ thể cho Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng tại Ba Vì". Tại buổi góp ý hoàn thiện Đề án mới đây, giới chuyên môn cho rằng, Ba Vì có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, nhưng muốn thành công, phải đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia.

Phát huy lợi thế

Đề án"Phát triển du lịch cộng đồng tại Ba Vì" xác định, làm du lịch cộng đồng ở Ba Vì không theo hướng đại trà, mà phát huy lợi thế riêng của 3 xã gồm: Vân Hòa (cụm nuôi bò sữa), Ba Trại (trồng chè), Ba Vì (sản xuất kinh doanh thuốc Nam của người Dao). Từ đây, Đề án xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch tương ứng với tiềm năng để phục vụ du khách. Ngoài tham quan các thắng cảnh có sẵn tại địa phương, khách du lịch có thể trực tiếp tham gia trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân bản địa như trồng chè, hái chè, sao khô chè, chăn bò, cắt cỏ, vắt sữa và thưởng thức đặc sản. Khách du lịch cũng có thể tham gia vào các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào người Mường, Dao cư trú tại xã Ba Trại và Ba Vì như múa hát, sản xuất, chế biến, trồng cây thuốc Nam…
Du lịch đồng quê ở xã Vân Hòa - Ba Vì đang ngày càng phát triển. Ảnh: Thanh Tâm
Du lịch đồng quê ở xã Vân Hòa - Ba Vì đang ngày càng phát triển. Ảnh: Thanh Tâm
Ông Vũ Văn Dân - Chủ nhiệm Khoa Du lịch cho biết: "Để nâng cao hiệu quả quản lý du lịch cộng đồng, Đề án đã xây dựng mô hình ban quản lý theo hướng chuyên nghiệp và chuyên môn hóa thành các tổ, như thuyết minh, biểu diễn văn nghệ - thể thao; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; tổ chức các dịch vụ phục vụ du lịch tại xã;… Ban quản lý này có nhiệm vụ đảm bảo lợi ích của các thành viên trong cộng đồng bằng cách sắp xếp cho họ những công việc phù hợp. Ví dụ, người nào không có cơ sở vật chất phục vụ lưu trú tại gia thì có thể tham gia biểu diễn văn nghệ. Ngoài ra, Ban quản lý sẽ là đại diện cho cộng đồng làm công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tìm nguồn tài trợ…". Nhiều nhà nghiên cứu, DN lữ hành đánh giá, Đề án đã tạo nên một bức tranh tổng thể và khá toàn diện về phát triển du lịch cộng đồng ở Ba Vì. Mô hình du lịch cộng đồng mà Đề án đưa ra có thể khắc phục một số mặt trái của du lịch cộng đồng đang áp dụng tại một số địa phương như: Ban quản lý chưa chuyên nghiệp, chưa có nghiệp vụ du lịch; phát triển một cách tự phát và thiếu chuyên nghiệp; cộng đồng dân cư bản địa chưa được đào tạo về kỹ năng phục vụ…

Có chính sách riêng cho hộ không làm du lịch

Góp ý hoàn thiện cho Đề án, TS Lê Văn Minh - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: "Trước đây, Sa Pa từng phải trả giá khi phát triển loại hình du lịch cộng đồng mà không tính toán kỹ việc phân chia lợi nhuận giữa người dân bản địa và DN. Việc DN giữ đến 80 - 90% lợi nhuận, đã dẫn tới sự phá sản của nhiều mô hình. Do đó, với Đề án này, chúng ta cũng cần quan tâm đến cơ chế chính sách phân chia lợi nhuận cho các bên". Đại diện Công ty Du lịch Hà Nội phân tích thêm: Dù là du lịch cộng đồng nhưng chỉ có một bộ phận trong cộng đồng phục vụ được du khách. Như vậy sẽ dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa những người kiếm được tiền từ hoạt động du lịch và những người không có nguồn thu. Mặt khác, khách đến địa phương là tham quan cả một tổng thể cộng đồng nhưng chỉ có một số người được hưởng lợi ích là không hợp lý. Ví dụ, trên đường khách đi, hàng rào hoa dâm bụt của một gia đình rất đẹp, họ dừng lại chụp ảnh nhưng gia đình này không thu được lợi nhuận gì. Do vậy, tôi cho rằng, nếu bộ phận người dân nào không tham gia trực tiếp vào các dịch vụ du lịch thì họ sẽ được hưởng từ chính sách khuyến nông như: trồng cây chuyên canh, bảo hộ sản phẩm, được tiếp thị quảng bá sản phẩm… Du lịch là nền kinh tế tổng hợp, dù chỉ một bộ phận làm du lịch nhưng lại thúc đẩy tất cả các ngành khác. Thế nên, muốn phát triển du lịch chúng ta phải có chính sách kinh tế, khuyến học, nông nghiệp, việc làm, hỗ trợ những người không trực tiếp làm du lịch.

 Bên cạnh việc đảm bảo lợi ích cho các bên, giới chuyên môn cho rằng, Đề án cũng cần tính toán đến việc xây dựng các sản phẩm sao cho không trùng lặp với các địa phương khác. Đồng thời, phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách quốc tế vì loại hình này được người nước ngoài rất ưa chuộng… Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: "Tới đây, Khoa Du lịch phải chủ động làm đầu mối kết nối các nhà khoa học, DN, để tiếp tục hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Ba Vì". Tin rằng, với sự quyết tâm của người dân và chính quyền địa phương, Đề án này sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa".