Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với chức năng là một viện nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học đã được Viện chú trọng triển khai, suốt 30 năm qua, Viện đã chủ trì thực hiện thành công 3 đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp nhà nước, 28 đề tài khoa học cấp Bộ, 26 đề tài cấp cơ sở và 8 nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường; tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ có liên quan.
Bên cạnh đó, Viện còn tích cực tham gia thực hiện nhiều đề án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, các địa bàn kinh tế trọng điểm và tham gia thực hiện một số các quy hoạch phát triển du lịch cấp khu vực như Quy hoạch phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (năm 1997); Quy hoạch phát triển du lịch Hành lang Đông Tây (năm 2003)… góp phần tích cực để du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch khu vực và thế giới…
Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Lê Quang Tùng chúc mừng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch qua các thời kỳ. Với những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, Thứ Trưởng Lê Quang Tùng mong rằng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Trước mắt, Thứ trưởng đề nghị Viện cần tập trung hoàn thiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo Bộ trình Thủ tướng phê duyệt; Viện cần tập trung nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài khoa học, tích cực tham gia phản biện, xây dựng và đóng góp cho sự phát triển của ngành. Các nghiên cứu phải thiết thực, giải quyết nhiều vấn đề không chỉ mang tính lý luận mà còn mang tính thực tiễn trong nhiều lĩnh vực của công tác quản lý nhà nước về du lịch…
Viện cần phải phấn đấu trở thành điển hình tốt về nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ ngành Du lịch; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là cầu nối giữa các nhà quản lý với các nhà khoa học ở cả trong nước và quốc tế…; Nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển của Viện cho phù hợp theo yêu cầu của giai đoạn mới, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện, thu hút cán bộ trẻ, nâng cao năng lực tư vấn, hướng tới trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao cho ngành Du lịch.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã được trình bày như: Tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế; Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; Một số suy nghĩ về xu hướng phát triển du lịch thế giới, chiến lược phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch hiện đại ở Việt Nam; Tác động tương hỗ giữa du lịch – giao thông và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; Du lịch Hà Nội đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô.
Các đại biểu cho rằng, việc tăng trưởng và phát triển du lịch luôn là vấn đề quan trọng trong bối cảnh du lịch ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tìm các giải pháp vừa đảm bảo phát triển du lịch, vừa bảo vệ, gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch là việc cần được ưu tiên.
Do đó, để du lịch phát triển bền vững, trong thời gian tới, theo các đại biểu, cần tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách visa, mở cửa bầu trời, thu hút đầu tư nước ngoài…, đồng thời phát huy thế mạnh về nguồn tài nguyên, đặc biệt là việc khai thác giá trị các di sản để phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, cần đầu tư về công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.