KTĐT - Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai phấn đấu đến năm 2020 trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng và trở thành khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước nói chung.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020". Đề án được thực hiện trong 10 năm, từ năm 2010-2020. Theo đó, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này bằng 90% mức bình quân chung của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ lực
Nhằm phát triển các lợi thế của vùng đầm phá và ven biển, Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai sẽ kết nối với Cố đô Huế để tạo thành một quần thể tổng hợp về du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển. Từ Vùng Tam Giang-Cầu Hai này, sẽ hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch thể thao. Bên cạnh đó, kết nối các khu bảo tồn, làng nghề hình thành tuyến du lịch biển và đầm phá.
Từ định hướng này, Đề án định hướng lập quy hoạch chi tiết vùng bảo tồn các loài thủy sinh quý hiếm và đa dạng sinh học.
Ngoài du lịch, Vùng sẽ hình thành các điểm công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu, thuyền, chế biến nông lâm thủy sản gắn với bảo vệ môi trường.
Hình thành các đô thị nghề cá
Nhiệm vụ phát triển xã hội tại Vùng Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trước hết là hoàn thành công tác định cư dân thủy điện gắn với tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch; ổn định sản xuất và đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thủy điện và vùng sạt lở.
Đề án cũng đề cập đến việc hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo để đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ và xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục tuyến cơ sở. Xây dựng mới các phòng khám đa khoa Vinh Giang, Điền Hải, Thuận An, đồng thời xây mới bệnh viện cấp vùng ở phía Nam đầm phá.
Nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, sẽ hoàn thành các dự án chống sạt lở tại bờ biển Hải Dương, Phú Thuận, xử lý bồi lắng cửa sông, cửa biển, hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; xây mới hồ thủy lợi Thủy Yên-Thủy Cam và hoàn chỉnh các hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.
Để thúc đẩy phát triển đô thị hóa, tại đây sẽ xây dựng thị xã Thuận An, Hương Trà, thành phố Chân Mây-Lăng Cô với hệ thống giao thông thông suốt; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các làng cá để sớm trở thành các đô thị nghề cá.