Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển hệ thống thương mại dịch vụ: Chờ cái “bắt tay” giữa sản xuất và tiêu thụ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 10%/năm. Theo các chuyên gia, để ngành thương mại dịch vụ phát triển mạnh hơn nữa, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ DN trong việc xây dựng chuỗi cung ứng, hình thành cửa hàng tiện lợi.

 Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Hapro Hà Nội. Ảnh: Hải Linh 
Nhiều khó khăn 
Dù tốc độ phát triển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá mạnh nhưng việc phát triển hệ thống hạ tầng bán lẻ còn gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, sau khi Nhà nước xã hội hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đã thu hút được nhiều DN nước ngoài như Đức, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn DN ngoại chủ yếu đầu tư vào hạ tầng thương mại tại các TP lớn và không chú trọng địa bàn nông thôn, trong khi nhu cầu tại khu vực này rất lớn.
“Hà Nội có 22 trung tâm thương mại, 128 siêu thị lớn, trong khi tốc độ phát triển hạ tầng thương mại chủ yếu nghiêng về DN ngoại, đây là vấn đề đáng quan ngại” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, ngành thương mại còn gặp khó khăn về tiêu thụ hàng hóa. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội cho biết: Theo quy luật thị trường và các nước phát triển đều thực hiện, trước khi sản xuất sản phẩm nào, người sản xuất phải tìm hiểu thị trường và có kế hoạch bán hàng theo từng tháng, quý, năm. Nhưng hiện nay, chúng ta lại làm ngược lại, tức là người dân cứ sản xuất rồi đẩy hàng hóa ra thị trường mà ít quan tâm hàng hóa đó có bán được hay không.

Liên kết tạo động lực phát triển

Tại hội thảo “Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước và DN trong phát triển thương mại, dịch vụ” mới đây, PGS.TS Hoàng Thọ Xuân - nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: DN ngoại chiếm thế mạnh do tập trung đầu tư vào khu vực TP, trong khi thị trường nông thôn lại bỏ ngỏ và đây là cơ hội DN nội đầu tư khai thác.
Tuy nhiên, để tạo ra sức mạnh cạnh tranh với DN ngoại đòi hỏi các cơ sở bán lẻ phải có liên kết với cơ sở sản xuất. Đồng thời, phải xác định được DN đầu tàu của từng ngành, từng sản phẩm. Những DN này quyết định sự thành công của hệ thống, chuỗi cung ứng. “Để làm được điều này Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ DN trong quá trình liên kết xây dựng chuỗi cung ứng - tiêu thụ” - ông Xuân kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng DN, từng bước chuyển hóa các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ tiểu thương thành cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại. Hàng hóa được đặt hàng các nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà nhập khẩu, qua đó xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ hàng hóa.

Hiện, Bộ Công Thương đang rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN Việt đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại. Đồng thời khuyến khích các DN tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh.