Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển HTX trên địa bàn Hà Nội: Gặp khó vì thiếu trụ sở

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu trụ sở, phải đi “ở trọ” tại UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, đình, chùa… là tình trạng của nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Không trụ sở, khó phát triển
Căn phòng rộng chừng 20m2 nằm khép nép bên cạnh UBND xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) nhiều năm qua là trụ sở hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) của xã. Ông Nguyễn Văn Oanh - Chủ nhiệm HTX DVNN xã Dương Xá cho biết, do thiếu quỹ đất, HTX phải tá túc nhờ tại trụ sở ủy ban. Không gian nhỏ hẹp nên vật tư, trang thiết bị của HTX được bày bố, đặt để ngổn ngang phía trước căn phòng và nằm ngay cạnh khu vực làm việc của UBND xã. Không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan công sở, việc thiếu trụ sở khiến tất cả thành viên HTX DVNN xã Dương Xá gặp khó khăn khi làm việc và đều có tâm lý chung là không thoải mái.

Các thành viên Hợp tác xã Nông Lâm xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) hiện vẫn phải làm việc trong trụ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thiếu trụ sở và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cũng khiến nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của nhiều HTX trở nên hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hanh - Chủ nhiệm HTX Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) cho biết, sau khi dồn điền đổi thửa, ruộng đất được tích tụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn. Tuy nhiên, không có trụ sở và GCNQSDĐ để thế chấp thì không vay được vốn đầu tư phát triển dịch vụ! Có đất cũng chưa chắc có tiền xây dựng. Nhưng trớ trêu khi một số HTX có kinh phí, lại không có quỹ đất, không có GCNQSDĐ để xây dựng trụ sở. Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ nhiệm HTX Thanh Cao (huyện Thanh Oai) ngậm ngùi chia sẻ dẫn chứng là chính HTX mà ông đang quản lý: “Hiện, HTX Thanh Cao hoạt động khá hiệu quả, hoàn toàn đủ tiềm lực để xây dựng được một trụ sở đàng hoàng thay vì phải “ở nhờ” tại UBND xã Thanh Cao. Tuy nhiên, chúng tôi lại không có quỹ đất để đầu tư xây dựng”.
Lời giải vẫn rất mịt mờ
Là một trong bốn địa phương đầu tiên của Hà Nội đã hoàn thành chuyển đổi 100% số HTX theo luật, tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, khó khăn chưa phải đã hết, trong đó, thiếu trụ sở và GCNQSDĐ đang thực sự là bài toán khó giải. “Không có trụ sở nghĩa là không có tài sản thế chấp, việc vay vốn thực sự rất khó. Thêm nữa, không có GCNQSDĐ, HTX cũng không thể yên tâm đầu tư xây dựng trụ sở, kể cả khi có kinh phí. Ai cũng lo nếu đầu tư hàng trăm triệu đồng, sau một vài năm Nhà nước có nhu cầu thu hồi đất thì biết phải làm sao” - bà Dung cho hay. Đó cũng là băn khoăn chung của nhiều đơn vị quản lý HTX các địa phương hiện nay. 
Liên quan tới bài toán trụ sở làm việc cho các HTX, ông Nguyễn Quang Mạnh - Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội kiến nghị, các địa phương nên rà soát, xem xét bố trí quỹ đất sau dồn điền đổi thửa để các HTX xây dựng trụ sở. Đối với công tác cấp GCNQSDĐ, theo ông Mạnh, hiện còn gặp nhiều khó khăn trong khâu hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan tới đất đai (do qua nhiều năm sử dụng nên ranh giới, mốc giới không rõ ràng, biến động; giấy tờ về nguồn gốc đất không đầy đủ…). Về phía Liên minh HTX TP Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp tư vấn, hướng dẫn trình tự, thủ tục, tiến tới đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho các HTX. Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp hỗ trợ phát triển các HTX trong bối cảnh thiếu trụ sở, không có tài sản để thế chấp vay vốn, ông Mạnh cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của TP hiện không thiếu vốn, tuy nhiên, điều kiện cho vay có ràng buộc. Điều này nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn vốn vay, bởi “nếu không làm chặt chẽ thì sẽ không có đủ nguồn kinh phí để cho các HTX khác vay!”.