Hàng loạt hạn chế trong phát triển khoa học - công nghệ (KH - CN) đã được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong cuộc làm việc với Chính phủ về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH - CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005 - 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”, cuối tuần qua. Theo thống kê, đến nay, cả nước có 3 khu công nghệ cao quốc gia đa ngành, quy mô lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư và phát triển tiềm lực KH - CN tại các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật công nghệ còn rất hạn chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự nổi trội… Nhiều công trình khoa học, sản phẩm nghiên cứu không thể thương mại hóa, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Nói về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ KH - CN Chu Ngọc Anh cho biết: Theo kết quả điều tra năm 2014, cả nước có 12.261 tiến sĩ, 45.222 thạc sĩ, 66.684 người có trình độ đại học, 4.828 có trình độ cao đẳng trong lĩnh vực hoạt động KH - CN. Mặc dù nguồn nhân lực gia tăng về số lượng, nhưng lại thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư có trình độ cao và đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. Số đông các nhà khoa học trình độ cao đã hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Tình trạng hẫng hụt về thế hệ các viện nghiên cứu, trường đại học đang tiếp tục gia tăng. Từ kết quả giám sát chỉ ra rằng, cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi để khắc phục tình trạng giảm sút các chuyên gia đầu ngành, thu hút đông đảo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về KH - CN hiện tại khá cồng kềnh, phức tạp nhưng vẫn chưa xác định được các hướng ưu tiên phù hợp để tạo ra những đột phá mà Việt Nam có lợi thế để hình thành các lĩnh vực KH - CN mũi nhọn có đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, nguồn lực đầu tư cho KH - CN rất quan trọng, trong đó có nguồn lực xã hội. Vì vậy, để huy động được nguồn lực từ các DN cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, đất đai... cũng như cần tạo môi trường bình đẳng cho mọi DN đầu tư cho KH - CN. Đặc biệt cần phải công khai, minh bạch từ quy trình xét duyệt, nghiệm thu đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Do vậy, từ thực tế giám sát, cần trả lời được câu hỏi KH - CN đã giúp gì cho việc hoạch định chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; KH - CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế như thế nào và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới. Từ đó, xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để KH - CN đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế- xã hội.