Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện một số mô hình trồng rau an toàn (RAT) công nghệ cao với mức đầu tư ban đầu khá lớn, song để mang lại hiệu quả bền vững, đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương phải chú trọng hơn nữa vấn đề phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT.

Mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai.
Nếu như trước đây, người trồng rau ở huyện Quốc Oai chỉ biết tận dụng đất bãi ven sông để trồng các loại rau màu theo mùa vụ, giá trị thấp thì nay tại nhiều xã đã xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng RAT theo hướng công nghệ cao, bước đầu mang lại thu nhập cao cho nông dân. Theo quy hoạch, đến năm 2020, huyện Quốc Oai có 65ha trồng RAT theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, ngay từ khi tổ chức sản xuất, huyện đã phối hợp với các bên liên quan tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, nên nông dân tham gia mô hình sản xuất rau công nghệ cao rất yên tâm.
Tương tự, nhờ được huyện hỗ trợ về cơ chế khuyến khích, Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) đã ứng dụng thành công quy trình sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến của Israel. Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, với diện tích 2.600m2, HTX đã đầu tư dây chuyền công nghệ cao trồng rau xà lách, cải ngọt…, hiện sản phẩm đã cho thu hoạch. Từ khi bắt tay vào sản xuất, đơn vị đã liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát để giới thiệu và đưa rau tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn và một số hãng hàng không trên địa bàn TP.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, toàn TP có hơn 12.000ha trồng rau xanh, song tỷ lệ sản xuất RAT công nghệ cao của Hà Nội vẫn khiêm tốn. Nguyên nhân là do mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, trong khi sản phẩm cuối cùng là rau tươi sử dụng trong ngày, nếu như đầu ra sản phẩm gặp khó khăn thì nguy cơ rủi ro rất cao.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất RAT ứng dụng công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, sở đang nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ thực hiện một số mô hình áp dụng công nghệ cao, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, quản trị cho nông dân. Cùng với đó, Sở phối hợp với các địa phương chú trọng đẩy mạnh hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - tiêu thụ rau như: Phát triển các quầy bán RAT tại các chợ, siêu thị; duy trì một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ RAT ở các vùng sản xuất quy mô lớn nằm xa chợ đầu mối. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT theo các hình thức: Bố trí quầy RAT tại các khu dân cư, hỗ trợ mở quầy bán RAT tại các chợ khu vực nội thành song hành cùng các siêu thị.