Đó là các ý kiến đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức sáng 22/10 tại Hà Nội.
Nội địa hóa, 20 năm giậm chân tại chỗ
Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 DN sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng... Công nghiệp ô tô hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào phân công sản xuất của các tập đoàn toàn cầu và chưa làm chủ được công nghệ lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, chuyển động…
Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa với ô tô tại Việt Nam mới đạt từ 7 - 10% và chưa có đột phá, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Điều này khiến cho giá thành xe lắp ráp sản xuất trong nước cao hơn từ 20 - 30% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Có một thực tế được TS Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chỉ ra, trong số các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng, quy mô thị trường nhỏ, doanh thu của họ chủ yếu bán cho xe máy. Sản xuất linh kiện cung cấp cho các DN ô tô, luôn đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe như: Giá hợp lý, giao hàng đúng hẹn, chất lượng cao, chính xác về kỹ thuật và công nghệ... nên hầu hết các DN nhỏ và vừa không đáp ứng được, muốn đáp ứng phải đầu tư lớn với công nghệ hiện đại.
Trong khi đó, trên 60% DN nhỏ và vừa tại Việt Nam đang thiếu vốn. Lợi nhuận từ sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô chỉ dưới 10%/năm, nhưng ngân hàng lại cho vay với lãi suất lên tới trên 11%/năm, do vậy các DN không dám vay vốn bởi cầm chắc thua lỗ. Chưa kể, sản xuất linh kiện trong nước còn đối mặt thách thức lớn khi linh kiện ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng thuế phần trăm tràn vào.
Trưởng ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Nguyễn Trung Hiếu cho biết, trong ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Công nghiệp ô tô tại mỗi quốc gia có đặc điểm, điều kiện phát triển khác nhau.
“Công nghiệp ô tô Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm nên cần có chính sách khuyến khích đột phá, chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực. Nếu vẫn làm như chính sách đang có, khoảng cách vẫn thế, 10 năm nữa họ vẫn đi trước, do đó cần có chính sách đặc sắc bắt kịp họ, ví dụ chi phí khấu hao khuôn…” - ông Hiếu nhìn nhận.
Chờ tháo rào cản
Thời gian qua, Chính phủ đã có một số chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, song thực tế không có nhiều DN được hưởng. Để được tiếp cận các ưu đãi về thuế hay các chính sách khác, yêu cầu thủ tục rất phức tạp.
Theo các DN, ưu đãi vốn vay đầu tư sản xuất linh kiện ô tô chỉ ở mức 5%/năm trở xuống và có thời hạn từ 5 năm trở lên. Ngoài ra, cần ưu đãi chi phí thuê đất dài hạn cho DN và hỗ trợ để thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Ngành công nghiệp ô tô có hệ thống cung cấp phức tạp và nhiều tầng (nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nhà cung cấp nguyên vật liệu).
Cuối cùng là vận hành ổn định hệ thống pháp luật, tránh thay đổi đột ngột khiến DN không thể dự đoán được. Một DN ô tô cho biết, mới đây sang Đài Loan kêu gọi đầu tư vào Việt Nam sản xuất linh kiện. Tuy nhiên, DN Đài Loan đã từ chối vì cho rằng chính sách về ô tô của Việt Nam thay đổi liên tục, dẫn đến rủi ro cao, do đó không có ý định đầu tư.
Nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đề xuất này được đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM, cần có sự vào cuộc của các cấp nhiều hơn và phải làm thực tế. Vấn đề là thực thi thế nào, trường hợp DN không đáp ứng được thì phải có bên thứ ba bảo lãnh giảm các thủ tục, quy trình đang có vấn đề như hiện nay, làm sao để tăng khả năng tiếp cận chính sách hiệu quả nhất.
"Cần tập trung nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích tập đoàn sản xuất ô tô, ưu đãi kèm chuyển giao công nghệ, khuyến khích phát triển dòng xe thân thiện môi trường… Thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì chính sách thuế không chỉ bao gồm với nhà đầu tư mà cả cho người tiêu dùng nên đề xuất sửa thuế thu nhập đặc biệt… Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà không nhập khẩu nước ngoài. Ngoài chính sách thuế, cần chính sách tài chính khác liên quan đất đai, tín dụng để triển khai các cụm công nghệ ô tô theo chuỗi giá trị. " - Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính |