Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nhà ở xã hội dưới hình thức cho thuê với nhiều đối tượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 18/6.

Các ĐB tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Nhà ở để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn của Luật hiện hành; đồng thời, thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và Nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhìn chung dự thảo Luật đã tập trung giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân về trách nhiệm tạo lập nhà ở, tạo điều kiện cho mọi người có nơi ở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định về chính sách phát triển nhà ở xã hội; rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, minh bạch hóa thị trường nhà ở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở…

Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn nặng về tập trung điều chỉnh lĩnh vực phát triển nhà ở theo dự án, các khu đô thị mới; còn nhà ở riêng lẻ, nhà ở hiện hữu tại các khu đô thị cũ, điểm dân cư nông thôn thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Vì vậy, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý, sử dụng nhà ở tại các khu dân cư hiện hữu ở đô thị, điểm dân cư nông thôn do người dân tự xây dựng; Luật Nhà ở (sửa đổi) cần đảm bảo thống nhất với các luật liên quan, tránh chồng chéo…

Minh chứng cho việc bất cập của Luật hiện hành, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết, chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội nhưng sau 8 năm thực hiện nhà xã hội không phát triển, thị trường nhà ở phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu. Nhà ở thương mại cao cấp phát triển ồ ạt, còn nhà ở phổ thông phù hợp với sức mua của người dân thì không có. Vì vậy Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này phải tập trung vào chính sách phát triển nhà ở và thực hiện quyền nhà ở theo Hiến pháp cho người dân; tập trung chính sách phát triển và quản lý nhà ở; không phát triển tràn lan nhà công vụ và được tính bằng ngân sách…

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, các ĐBQH cho rằng, đây là chính sách đúng đắn hướng tới các đối tượng thực sự có khó khăn về nhà ở và khó có khả năng mua nhà ở, kể cả nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật lại cho thấy mục đích xây nhà ở xã hội thực chất vẫn là để bán, vì cho phép chủ đầu tư được bán lại nhà ở xã hội xây để cho thuê sau khi cho thuê tối thiểu là 5 năm; khi đó, nếu người thuê không đủ điều kiện mua thì sẽ bán cho các đối tượng khác. Cùng với đó là quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 khi xác định giá cho thuê nhà ở xã hội phải tính đủ các chi phí bảo đảm thu hồi vốn trong thời hạn tối thiểu là 20 năm.

Các ĐB đề nghị nghiên cứu quy định chính sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê bảo đảm tính thống nhất và phù hợp hơn. “Về nhà ở xã hội tôi đề nghị tập chung chính sách phát triển nhà cho thuê đối với tất cả các đối tượng, không ưu tiên bán. Riêng nhà ở thương mại tập chung chính sách phát triển nhà ở phổ thông phù hợp sức mua của thị trường” - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu ý kiến.

Cũng ý kiến về chính sách nhà ở xã hội, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Nhà nước cần tập trung, ưu tiên chính sách phát triển nhà xã hội để cho thuê, vì hiện nay còn rất đông người, đặc biệt là người nghèo ở thành thị, công nhân lao động ở khu công nghiệp đây là những đối tượng không có tiền để mua nhà ở. “Đề nghị đổi cụm từ trong để bán ra sau cụm từ cho thuê tại khoản 2 Điều 14 của dự thảo Luật, cụ thể: Nhà nước có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà để cho thuê, cho thuê mua để bán nhà phục vụ các đối tượng có nhu cầu trong xã hội” - ĐB An đề nghị.

Cũng theo ĐB An, nhà chung cư nói chung và nhà chung cư cũ nói riêng đã xây từ 40-50 năm trước đã xuống cấp nhiều, nhưng trong chính sách phát triển nhà ở chung cư và cải tạo chung cư thì vai trò của Nhà nước chưa rõ. Hiện đang có chính sách để cho các doanh nghiệp cải tạo các chung cư cũ nhưng quá lâu, quá dài và để người dân sống tại đây phải chịu khổ... Vì vậy, trong dự thảo Luật cần phải thể hiện vai trò của Nhà nước trong phát triển nhà ở và cải tạo chung cư phải cao.

Đối với nhà tái định cư, ĐB An đề nghị Nhà nước ngoài việc chú ý đến diện tích ở, công ăn việc làm, đầu tư hạ tầng xã hội như trường học, đường giao thông, y tế... thì cần đặc biệt chú ý đến xây các khu vui chơi cho trẻ em. “Thời gian vừa qua, tôi thấy hầu hết các khu tái định cư từ thành thị cho đến nông thông đều thấy thiếu khu vui chơi cho trẻ em” - ĐB An cho biết.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận các ĐBQH tập trung cho ý kiến về mục đích, đối tượng được sở hữu nhà ở; tài chính cho phát triển nhà ở; chính sách phát triển nhà ở công vụ; Quỹ phát triển nhà ở xã hội; trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc phát triển nhà ở...