Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển phong trào văn hóa, thể thao quần chúng: Hiệu quả từ xã hội hóa

Minh An - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, địa điểm vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt là thiếu nhi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chính vì vậy, nguồn lực xã hội hóa đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, văn hóa, thể thao, tinh thần của người dân.

Người dân thôn Song Khê chung tay tham gia xây dựng khu vui chơi thể thao. Ảnh: Hoàng Quân
Khi người dân chung tay
Cách trung tâm TP Hà Nội hơn 30km, thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai có 1.050 hộ dân với 4.000 nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân trong thôn từ sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân thôn Song Khê như: Lễ hội, múa hát sân đình, tập dưỡng sinh, cầu lông… chủ yếu diễn ra ở đình làng. Bí thư Chi bộ thôn Song Khê Kiều Văn Chính chia sẻ: “Diện tích vui chơi dành cho người dân không có, mọi hoạt động đều diễn ra trong sân đình. Vì vậy, tất cả các hoạt động từ múa hát, chơi thể thao, trẻ em vui chơi trong các dịp lễ đều diễn ra trong một không gian nhỏ. Đôi khi, các em nhỏ phải chơi đùa trên đường giao thông của thôn vì không có đủ không gian”.

Xuất phát từ nhu cầu đó, vừa qua, người dân thôn Song Khê đã quyên góp để xây dựng sân chơi, lắp đặt các thiết bị tập thể dục cho người dân. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ sáng sớm, nhiều người dân đã tự nguyện đến khu vực xây dựng sân chơi để tham gia đổ bê tông, lắp đặt các thiết bị tập thể dục thể thao. Trong bộ quần áo còn lấm lem xi măng, ông Kiều Văn Chính chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu có một không gian vui chơi rộng rãi hơn cho người dân, chúng tôi đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng địa điểm vui chơi rộng 200m2 ở trước sân đình”.

Theo người dân thôn Song Khê, việc xây dựng địa điểm vui chơi đã góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tại địa phương, hạn chế tình trạng trẻ em phụ thuộc vào các loại hình giải trí trên tivi, smartphone... Mỗi buổi chiều, người dân ra sân chơi tập luyện, tham gia các hoạt động thể thao rất đông. Nhờ đó, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ không bị thu hút vào tệ nạn xã hội hay nghiện game, điện thoại...

Cần thêm nguồn lực đầu tư

Thời gian qua, nguồn lực từ đầu tư xã hội hóa đã góp phần giải quyết bài toán thiếu sân chơi, rèn luyện thể dục, thể thao cho người dân ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số lãnh đạo địa phương, việc phát triển các sân chơi sau khi được đầu tư xã hội hoá vẫn còn hạn chế. “Chúng tôi vận động 300.000 – 500.000 đồng/người để xây dựng một sân chơi không phải vấn đề khó khăn. Các thiết bị trên sân chơi bị hỏng hóc, chúng tôi cũng có thể quyên góp để tự sửa chữa nhưng để mô hình xã hội hoá sân chơi dành cho người dân ở các vùng ven đô phát triển cần có sự quan tâm đồng bộ của chính quyền địa phương. Bởi như vậy, phong trào toàn dân rèn luyện văn hóa, thể dục thể thao mới phát triển”- Bí thư Chi bộ thôn Song Khê Kiều Văn Chính cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, không chỉ riêng thôn Song Khê, khi các sân chơi, khu vực tập luyện thể dục, thể thao công cộng được đầu tư xây dựng, người dân tại nhiều địa phương đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tập thể. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa ngày càng lành mạnh. “Sau khi xây dựng khu vui chơi, có những cụ 94 tuổi vẫn ra tập thể dục, thể thao. Trẻ em vào dịp Hè sẽ có nơi để học hát, múa. Dù có thể quá tải nhưng không khí này không thể mua được” - Bí thư chi bộ thôn Song Khê Kiều Văn Chính chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều bậc cao niên thôn Song Khê cho rằng, muốn nâng cao chất lượng các sân chơi và chương trình văn hoá, thể thao dành cho thiếu nhi, phải làm sao để hoạt động văn hoá, thể thao quần chúng diễn ra suốt năm chứ không phải chỉ vào dịp lễ, Tết. Quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức không chỉ của công đồng mà của cả các cơ quan quản lý Nhà nước.