Mô hình trồng rau sắng gắn với bảo vệ rừng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh Trọng Tùng. |
Hà Nội có 27.760ha rừng và đất lâm nghiệp phân bố tại 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất với tỷ lệ che phủ đạt 5,6%. Diện tích rừng trên địa bàn TP gồm rừng phòng hộ khoảng 4.050ha, rừng đặc dụng gần 10.200ha và rừng sản xuất gần 5.280ha. Mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng của Hà Nội theo hướng bảo tồn, làm giàu rừng từ những cây gỗ quý, gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường. Còn rừng sản xuất gắn với trồng cây dược liệu, ươm trồng cây xanh để phục vụ phát triển đô thị.Thực tế, nhiều diện tích rừng của Hà Nội đang gắn với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như: Vườn Quốc gia Ba Vì, khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Gióng (huyện Sóc Sơn)… Tại một số địa phương đã xuất hiện các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, như huyện Sóc Sơn và Ba Vì có hàng chục điểm du lịch sinh thái gắn với đất lâm nghiệp, đất rừng. Vì vậy, vấn đề quản lý, khai thác rừng, đất lâm nghiệp sao cho đúng luật và hiệu quả luôn được TP quan tâm.Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, số hộ dân, DN được giao đất gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng còn rất ít. Nhiều người có điều kiện muốn mở rộng, phát triển kinh tế rừng lại không có cơ sở pháp lý. Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả như bạch đàn, phi lao sang cây dược liệu giá trị cao vẫn còn một số hạn chế. Nếu có chính sách giao đất, giao rừng đồng bộ sẽ giúp công tác quản lý rừng của TP ngày một tốt hơn, tránh việc sang tên, đổi chủ ngầm. Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Nguyễn Giáp Dần cho rằng, nếu giao rừng gắn với giao đất, người dân sẽ có cơ sở để vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn xã Yên Bình đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng gắn với ươm trồng các loại cây xanh đô thị, đem lại giá trị kinh tế cao. Song, mô hình này đòi hỏi chi phí lớn, nếu không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, nông dân khó có thể phát triển mô hình và nâng cao thu nhập.Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP vào loại thấp của cả nước, do đó, phát triển rừng cần theo hướng gắn với bảo vệ môi trường. Các địa phương có rừng hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích đất rừng và đất lâm nghiệp sang loại đất khác. Trong thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường quản lý đất rừng theo Luật Đất đai.
Trước mắt, ổn định diện tích giao khoán cho đơn vị, cá nhân khai thác, quản lý tốt đất rừng, tiến tới đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp giao đất cho các chủ rừng chăm sóc, bảo vệ. Đồng thời rà soát, sắp xếp diện tích khai thác không hiệu quả, tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia phát triển rừng, lâm nghiệp.