Nhiều điều kiện thuận lợi
Những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Đây là mức tăng trưởng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực châu Á, thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường bán lẻ như thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, hiện nay thị trường bán lẻ ở các TP, đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh, hiện đại. Trong khi đó, thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình. Ngoài ra, thương mại điện tử bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trên thị trường bán lẻ ngày càng thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trao đổi, mua bán có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.Tính chuyên nghiệp không caoTại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Bên cạnh đó, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế… Đặc biệt, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi đến tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, mạng lưới chưa rộng khắp, chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng. Thói quen mua sắm hàng hóa tại hệ thống chợ truyền thống của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các DN bán lẻ. Chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm cạnh tranh quyết liệt giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài, giữa kênh bán hàng hiện đại với kênh truyền thống. “Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và online. Mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mall, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ vui chơi, ăn uống, làm đẹp… Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình” - ông Vũ Vinh Phú phân tích. Nhằm hỗ trợ DN bán lẻ Việt Nam phát triển, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ nay đến năm 2020 đạt 10,7%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 9%/năm. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2020 đạt 30% và đến năm 2025 đạt 38%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi cơ quan quản lý hoàn thiện thể chế, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững, tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Đối với DN bán lẻ, cần đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online… Qua đó, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận, mua sắm hàng hóa.
Đến nay, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức đáng kể. Đơn cử, Coopmart từ 90 - 93%, Satra 90 - 95%, Vinmart 96%, Big C 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. |