Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển TP Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

HUY CHƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối thành công của Diễn đàn lần thế nhất, sáng nay (18/10) Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2019 (HEF 2019) được UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức và đã thu hút hơn 800 đại biểu tham dự.

Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2019 thu hút hơn 800 đại biểu tham gia. Ảnh: Huy Chương

Với chủ đề “Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, HEF 2019 là Diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với các chuyên gia nghiên cứu và các tổ chức tài chính, đầu tư trong nước và quốc tế thảo luận, đánh giá thực trạng, triển vọng, cơ hội và thách thức. Từ đó xác định tầm nhìn và đưa ra thông điệp về xây dựng và định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, HEF 2019 được kỳ vọng sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có thêm nguồn tư liệu quý giá trong quá trình xây dựng Đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, hiện đang được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty Đầu tư tài chính TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng trường Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện nghiên cứu.
Phát biểu khai mặc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới, tại New York dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London (Anh) là 42%, tại Thượng Hải (Trung Quốc) là 27% và tại Singapore là 29%.
"Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Đối với TP Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, TP đã có khát vọng trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.
Tuy nhiên, ông Phong cũng nhận định, việc trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do TP có điểm xuất phát thấp. Trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; bình quân cứ 5 năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.
Cùng với đó, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của TP còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur (Malaysia) là 143%, tại Bangkok (Thái Lan) là 120% và tại Manila (Philippines) là 92%...
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Huy Chương
Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, những điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
"Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP Hồ Chí Minh như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong đánh giá.
Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc TP mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để TP phát triển nhanh và bền vững hơn".
Hơn nữa, theo ông Phong, khi TP tiến lên thì các đô thị khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. "Do vậy, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, TP tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Thông qua Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định TP mong nhận được các góp ý của các diễn giả đối với việc phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
"Ngoài 5 yếu tố cốt lõi của Trung tâm tài chính đã đề ra trong Đề cương là môi trường kinh doanh; nguồn vốn con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính; danh tiếng của địa phương, TP hy vọng quý vị tiếp tục phân tích, làm rõ hơn nội lực của TP hiện nay, đồng thời giúp TP tìm con đường ngắn nhất để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", ông Phong cho biết.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp TP thực hiện thành công Đề án, đây còn là cơ sở quan trọng để TP chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách TP còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.
Ngoài phiên khai mạc, HEF 2019 sẽ có 4 phiên thảo luận song song với các chủ đề: TP Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế “Hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện”; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền TP để xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Qua đây, TP Hồ Chí Minh cũng muốn tranh thủ ý kiến của các chuyên gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng, triển vọng, cơ hội và thách thức đối với việc phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.