Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Trăn trở bài toán vốn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã được TP quan tâm, đầu tư lớn. Nhờ đó, diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống đồng bào cũng không ngừng được nâng cao.

 Trường Tiểu học Khánh Thượng A, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn
Diện mạo đổi thay tích cực

Nằm ven hồ Đồng Sương, tiếp giáp tỉnh Hòa Bình, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong 14 xã có đồng bào dân tộc sinh sống tập trung trên địa bàn Hà Nội. Cách xa trung tâm, nhưng cơ sở hạ tầng nơi đây không thua kém phần lớn các địa phương ngoại thành. Tính từ năm 2011 đến nay, thông qua Kế hoạch số 166 và 138/KH-UBND TP, UBND TP đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng điểm trường mầm non, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Mới đây nhất, đường giao thông thôn Đồng Ké cũng hoàn thành. Qua đó, góp phần đưa xã Trần Phú về đích nông thôn mới.

Xã Trần Phú chỉ là một trong số 14 xã được hưởng lợi từ nguồn đầu tư lớn của TP. Sau khi kết thúc Kế hoạch số 166, TP đã tiếp tục ban hành Kế hoạch số 138 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020”. Tổng nguồn vốn được bố trí để thực hiện kế hoạch là 1.000 tỷ đồng. Theo đó, có 69 dự án được triển khai xây dựng (gồm 40 dự án giao thông, 19 dự án trường học, 9 dự án thủy lợi và 1 dự án y tế).

Tính đến nay, tổng số vốn đã được TP bố trí là 850 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được TP bố trí, Ban Dân tộc TP đã phân bổ cho huyện Ba Vì 506 tỷ đồng thực hiện 36 dự án. Huyện Thạch Thất được bố trí 50,5 tỷ đồng thực hiện 10 dự án. Huyện Quốc Oai được cấp 138,5 tỷ đồng cho 14 dự án. Huyện Mỹ Đức được bố trí 141 tỷ đồng thực hiện 6 dự án. Huyện Chương Mỹ được phân bổ 20,5 tỷ đồng thực hiện 3 dự án. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Không chỉ trông chờ nguồn vốn Thành phố

Bên cạnh nguồn vốn TP bố trí, huyện Thạch Thất đã chủ động bổ sung gần 17 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng. Trong khi đó, huyện Chương Mỹ cũng bố trí 337 triệu đồng xây dựng các nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, nguồn lực trên chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo đề xuất tại Kế hoạch số 138 ngày 15/7/2016 của UBND TP, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đến năm 2020 là 2.324 tỷ đồng. Song nguồn vốn được HĐND TP phê duyệt chỉ là 1.000 tỷ đồng. Sau khi đã bố trí 850 tỷ đồng trong hai năm 2017 - 2018, trong hai năm 2019 – 2020, nguồn vốn theo kế hoạch chỉ còn 150 tỷ đồng. Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh cho biết, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã có nhiều đổi thay tích cực. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Đã có 8/14 xã về đích nông thôn mới. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông… thuộc các địa phương vùng dân tộc và miền núi bị xuống cấp. Do đó, đề nghị UBND TP tiếp tục xem xét, bố trí bổ sung 1.324 tỷ đồng theo đề xuất ban đầu của Kế hoạch số 138 để hoàn thành các mục tiêu phát triển.

Cùng theo ông Vinh, trong bối cảnh ngân sách TP còn hạn chế, 5 địa phương vùng dân tộc và miền núi cần chủ động cân đối ngân sách để thực hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, như cách làm của hai huyện Thạch Thất và Chương Mỹ. Đây sẽ là trợ lực quan trọng, cần thiết để TP hoàn thành các mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2020.