Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phê bình lãnh đạo 9 tỉnh, yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có tới 80% vi phạm giao thông là do ý thức, do vậy cần phạt nặng những người vi phạm để răn đe người tham gia giao thông. Đồng thời tước bằng giấy phép lái xe vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng; kỷ luật người đứng đầu địa phương nếu để tai nạn liên tục tăng,…

Phê bình lãnh đạo 9 tỉnh, yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực - Ảnh 1


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc phê bình 9 tỉnh để tai nạn giao thông tăng. Ảnh:VGP/Lê Sơn.


Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đề nghị trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vừa diễn ra sáng nay (29/5).

80% vi phạm là do ý thức kém

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng 80% vi phạm là do ý thức của người tham gia giao thông. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là công tác đào tạo, quản lý, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe bị buông lỏng, làm cho TNGT tăng cao. Theo đó, hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng vừa qua đều do chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, ngủ gật,...

Từ nhận định trên, nhằm răn đe và xử phạt nghiêm minh, ông Phạm Quý Ngọ đề nghị phải tước Giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về việc sang tên đổi chủ phương tiện giao thông, theo ông Phạm Quý Ngọ, lực lượng công an các cấp đã nỗ lực vào cuộc, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân thực hiện công việc này một cách dễ dàng. Đến nay đã sang tên đổi chủ cho hơn 50.000 phương tiện giao thông. Mặt khác, lực lượng công an cũng đang hoàn thiện dữ liệu đăng ký xe. Theo đó người dân có thể nhập dữ liệu từ đăng ký xe để kiểm tra thông tin về phương tiện của mình.

Hà Nội: Siết quản lý taxi

Vấn đề bức xúc của thành phố Hà Nội hiện nay là tình trạng lộn xộn ở bến xe khách và nạn “chặt chém” khách của xe taxi. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ xử lý  nghiêm taxi vi phạm và không cho các doanh nghiệp tăng thêm đầu xe taxi để kinh doanh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường lực lượng của Bộ vào những tỉnh có tỷ lệ tai nạn tăng cao như Ninh Thuận, Khánh Hòa để kiềm chế tai nạn tại các địa phương tăng cao hay có các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Để tai nạn liên tiếp tăng, kỷ luật người đứng đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho biết 3 tháng đầu năm 2013, TNGT trên địa bàn tỉnh có tăng. Tuy nhiên trong tháng 4-5 số lượng tai nạn đã giảm do tỉnh thực hiện các giải pháp mạnh như: tăng cường tuần tra kiểm soát 24h/24h tại các cung đường thường xuyên xảy ra tai nạn; xử lý nghiêm hành vi vi phạm tốc độ, làn đường của xe khách, xe tải nặng. Ông Nguyễn Chiến Thắng cũng tán thành cách xử lý nghiêm khắc với lái xe vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Con số kéo giảm tai nạn giao thông 5 tháng đầu năm 2013 của Đồng Nai là khá ấn tượng. Nếu như 5 tháng đầu năm 2012 tỉnh Đồng Nai có 700 người chết vì tai nạn giao thông, 5 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 300 người.

Kết quả đạt được là do sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu nếu để TNGT xảy ra liên tiếp.

Phê bình lãnh đạo 9 tỉnh, yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực - Ảnh 2
 
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về TTATGT ngày 29/5 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh:VGP/Lê Sơn.
 
 
Phó Thủ tướng phê bình 9 tỉnh; yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia biểu dương những kết quả trong việc kéo giảm số vụ tai nạn và số người bị thương trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc tăng 28 người chết so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy việc kiềm chế TNGT còn chưa bền vững.

Phó Thủ tướng biểu dương 8 tỉnh làm tốt công tác kiềm chế tai nạn giao thông và nghiêm khắc phê bình lãnh đạo 9 tỉnh để tai nạn tăng cao trên 30%, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (tăng 40,2%), Phú Thọ (40,7%), Ninh Thuận (41,9%), Thừa Thiên – Huế (41,9%), Bình Thuận (47,4%), Lạng Sơn (48,6%), Sơn La (55,9%), Khánh Hòa (77,8%) và Lào Cai (91,3%).

Phó Thủ tướng yêu các từng địa phương phải rà soát lại khâu còn yếu kém, chấn chỉnh thường xuyên các vi phạm, nghiêm khắc xử lý vi phạm với mức phạt cao nhất. Những vi phạm nghiêm trọng cần xử lý cả lái xe và chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp, đồng thời nêu rõ những trường hợp vi phạm trên phương tiện truyền thông để nhắc nhở.

Phó Thủ  tướng cũng chỉ rõ cần xử lý nghiêm những cán bộ tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ cùng với việc tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp vận tải, kiên quyết xử lý doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh.

Bộ GTVT và các địa phương rà soát và khắc phục ngay các “điểm đen” TNGT, lắp rải phân cách cứng tại các tuyến đường có đủ điều kiện nhằm không để tình trạng xe cơ giới đối đầu nhau như vừa qua và lập các đoàn kiểm tra những tỉnh để TNGT tăng cao.