Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng nối quận Long Biên và Hai Bà Trưng do TP Hà Nội đầu tư với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng được khánh thành năm 2010. 
Theo đó, nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng về phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới đường bộ; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới đường bộ; đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới đường bộ.
Bên cạnh đó, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với việc phát triển mạng lưới đường bộ trong kỳ quy hoạch; những cơ hội và thách thức, trong đó, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành đường bộ, gồm nhu cầu vận tải, phương thức vận tải, ứng dụng công nghệ và phương tiện mới trong lính vực đường bộ; phân tích, đánh giá những cơ hội, thách thức phát triển mạng lưới đường bộ trong thời kỳ quy hoạch; phân tích, đánh giá cơ hội, thách thức phát triển mạng lưới đường bộ.
Về phương án phát triển mạng lưới đường bộ, cần định hướng phân bố không gian phát triển mạng lưới đường bộ xác định quy mô, mạng lưới đường, định hướng kết nối tới các lĩnh vực GTVT khác, đến các đầu mối giao thông quan trọng (cảng hàng không, ga đường sắt, cảng biển, cảng đường thủy nội địa,...
Xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác, sử dụng và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các tuyến đường quan trọng trong mạng lưới đường bộ;
Định hướng kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa mạng lưới đường bộ trong nước và quốc tế, kết nối với hệ thống đô thị và nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, hệ thống du lịch và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác; giải pháp về quản lý khai thác và bảo đảm an toàn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trước rủi ro thiên tai và bối cảnh biến đổi khí hậu.
Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện, xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ trong thời kỳ quy hoạch; luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư, đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư.