Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 2/1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND về Phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu nhằm phát triển nghề, làng nghề nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống; đồng thời phát triển các làng có nghề mới; Rà soát phân loại các nghề, làng nghề cần duy trì, bảo tồn hoặc chuyển nghề khác. Phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội.

Phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề Hà Nội - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
 
 
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực làng nghề theo hướng tăng cần tỷ trọng công nghiệp- thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Phát triển lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Hình thành đội ngũ doanh  nhân có trình độ quản lý, trình độ tổ chức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, tạo mẫu mã sản phẩm tạo các làng nghề.
 
Phát triển các sản phẩm của làng nghề truyền thống đang có thị trường tiềm năng, gắn với khôi phục văn hóa truyền thống của làng nghề.

Năm 2030, Hà Nội có 1.500 làng có nghề

Năm 2015, tỷ trọng sản xuất nghề, làng nghề của TP Hà Nội đạt 8,4%, đến năm 2020 chiếm 8,5% và đến năm 2030 chiếm 8,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của Thành phố.

Năm 2030, Thành phố có 1.500 làng có nghề chiếm khoảng 65,33% so với tổng số làng ở ngoại thành Thành phố.

Bảo tồn và khôi phục 21 làng. Giai đoạn 2011-2015: 10 làng; giai đoạn 2016-2020: 11 làng.
 
Phát triển làng nghề kết hợp với du lịch 17 làng. Giai đoạn 2011-2020: 10 làng; giai đoạn 2021-2030: 7 làng.

Hạn chế phát triển hoặc chuyển hướng nghề mới, hoặc di dời vào cụm công nghiệp làng nghề 14 làng. Giai đoạn 2011-2015: 2 làng; giai đoạn 2016-2020: 6 làng; giai đoạn 2021-2030: 6 làng.
 
Xử lý ô nhiễm môi trường 80 làng. Giai đoạn 2011-2015: 30 làng; giai đoạn 2016-2020: 30 làng; giai đoạn 2021-2030: 20 làng.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng 70 làng: giai đoạn 2011-2015: 25 làng; giai đoạn 2016-2020: 25 làng; giai đoạn 2021-2030: 20 làng.

Tạo việc làm ổn định cho khoảng 800 đến 1 triệu lao động nông thôn, trong đó, tạo việc làm mới cho khoảng 200 nghìn lao động.

Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đạt 25-30 triệu đồng/năm vào năm 2015 và đạt 35-40 triệu đồng/năm vào năm 2020, 50-60 triệu đồng/năm vào năm 2030.

Theo Quy hoạch, sẽ phát triển các nghề, làng nghề có giá trị truyền thống như: ngành thủ công mỹ nghệ; chế biến lâm sản; nghề dệt lụa; nghề thêu, ren; nghề gốm sứ; nghề da, giầy, khâu bóng;

Phát triển các ngành nghề theo hướng tham gia sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất công nghiệp: nghề dệt may; nghề cơ kim khí, điện, rèn, dao kéo;

Phát triển một số ngành nghề khác: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, đất đai, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh. Phát triển nghề bảo quản và chế biến rau quả ở các khu vực ven đô thị ở các huyện, thị và các vùng chuyên canh rau an toàn. Phát triển các nghề chế biến thuốc nam, đông dược phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Phát triển một số ngành nghề mới: ưu tiên phát triển các nghề bảo quản, chế biến rau quả ở khu vực ven đô thị và các vùng chuyên canh rau an toàn, nghề chế biến thuốc nam, đông được. Xây dựng dự án khôi phục nghề cũ. Tổ chức nhân cấy nghề, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để thành lập các cơ sở sản xuất mới tại địa phương.

Các giải pháp thực hiện Quy hoạch

Dự kiến vốn cho các dự án ưu tiên đầu tư theo quy hoạch là 8.525 tỷ đồng.

Giải pháp về thị trường tiêu thụ, gắn kết các làng nghề với hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại để đưa sản phẩm vào phân phối và kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn; hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp giúp các làng nghề trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp; tổ chức và hỗ trợ các làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành, trưng bày giới thiệu sản phẩm; Phối hợp với các Trung tâm xúc tiến thương mại, thương vụ và các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm của làng nghề tới nước sở tại; Hỗ trợ các hiệp hội, các làng nghề xây dựng và duy trì Website nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm…trên Internet.

Xây dựng, phát triển thương hiệu làng nghề, hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu, nhất là làng nghề truyền thống; Nâng cao vai trò của các tổ chức Hội, Hiệp hội, chính quyền cấp xã, thôn và các doanh nghiệp trong các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu làng nghề tới khách hàng trong và ngoài nước.

Xúc tiến thiết kế mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, lập đề án xây dựng đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm, tiến tới thành lập trung tâm thiết kết mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ cấp TP; Khuyến khích hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hội thi về sáng tác mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề do các tỉnh, thành phố khác tổ chức.

Ngoài ra, Quy hoạch còn có các giải pháp về thị trường nguyên liệu, giải pháp bảo vệ môi trường, kỹ thuật công nghệ, giải pháp về đất đai,…