Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép màu sắp cạn?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau cuộc họp căng thẳng kéo dài hai ngày (10 – 11/6), Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) đã quyết định không đưa ra thêm biện pháp kích thích kinh tế nào.

Theo đó, BOJ sẽ tiếp tục chương trình bơm vào nền kinh tế mỗi năm 70.000 tỷ Yên (708 tỷ USD) nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% nhưng sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa do lo ngại có thể làm trầm trọng hơn nữa tình trạng biến động của thị trường trái phiếu. Dù BOJ đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế Nhật Bản với những dấu hiệu khởi sắc như xuất khẩu, lạm phát kỳ vọng bắt đầu tăng, nhưng quyết định này đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.
 
Theo các chuyên gia, nếu chương trình nới lỏng tiền tệ bị ngưng trệ, kinh tế Nhật Bản sẽ mất động lực tăng trưởng do người tiêu dùng lại thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp ngừng đầu tư… Và khi đó, phép màu mà chính sách kinh tế do Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra (còn gọi là Abenomic) sẽ cạn, Nhật Bản lại rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài, mất dần sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
 
Sự bất an của nhà đầu tư đã làm biên độ tăng giảm của đồng Yên nới rộng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua và làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 0,1% xuống 131,43 điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6.
 
Cùng ngày, số liệu về đơn đặt hàng máy móc Nhật Bản giảm 8,8% trong tháng 4 được công bố đã khiến các cổ phiếu xuất khẩu và ngân hàng giảm mạnh, đẩy chỉ số Nikkei 225 giảm xuống dưới mức 13.000 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng xuống thấp nhất 7 tuần do căng thẳng chính trị giữa Hàn Quốc và Triều Tiên chưa được hạ nhiệt.
 
Các phiên bán tháo diễn ra trên khắp các thị trường chứng khoán toàn cầu từ đầu tuần đến nay làm hàng trăm tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường, đẩy nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, tài chính, ngân hàng nguy khốn.