Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép thử với giáo viên lớp 1

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ GD&ĐT, tất cả giáo viên tham gia dạy lớp 1 năm nay phải trải qua kỳ đánh giá về sách giáo khoa (SGK) mới. Trường hợp “không đạt” theo yêu cầu sẽ không được dạy học vào năm sau.

Đổi mới sách giáo khoa, giáo viên
Hơn 2 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng chính thức ở lớp 1. Hiện các cơ sở giáo dục đã hoàn tất công tác lựa chọn SGK năm học mới. Thời điểm này, công việc quan trọng bậc nhất của ngành giáo dục là tập trung định hướng giáo viên sẵn sàng đổi mới kỹ năng cũng như phương pháp giảng dạy.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, tất cả giáo viên tham gia dạy lớp 1 năm nay phải trải qua đợt tập huấn, bồi dưỡng về SGK lớp 1 mới. Kết thúc đợt bồi dưỡng, giáo viên được đánh giá thông qua bài thu hoạch theo quy định.
 Các cuốn sách giáo khoa không còn là ''pháp lệnh'' với giáo viên hiện nay. Ảnh: Bảo Trọng
Trường hợp giáo viên không tham gia bồi dưỡng hoặc không đạt được mức đánh giá theo yêu cầu thì không bố trí cho dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021. Các địa phương được đề nghị phối hợp với nhà xuất bản có SGK được lựa chọn cung ứng SGK mới, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Dự kiến, chương trình bồi dưỡng sẽ được ấn định trong tháng 7, thời gian 2 ngày.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, lâu nay, nhiều giáo viên đã quen dạy học bám sát nội dung SGK, thậm chí đúng từng câu, từng chữ trong các cuốn sách và coi SGK như một pháp lệnh trong quá trình dạy học. Theo ông Thái Văn Tài, định hướng, tư duy giảng dạy theo lối mòn như vậy cần phải thay đổi và sự ra đời của 5 cuốn SGK lớp 1 mới chính là một ví dụ rõ rệt nhất.
“Giáo viên được chọn bất cứ cuốn sách nào trong 5 bộ sách, thậm chí là chọn từng cuốn sách ở các bộ sách khác nhau để phục vụ giảng dạy. Như vậy, có thể hiểu, có ít nhất 5 con đường để giáo viên có thể lựa chọn nhằm đạt được mục đích truyền thụ kiến thức mới cho học sinh” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học phân tích.
Được tham khảo nhiều bộ sách khi dạy
Nói về công tác biên soạn giáo án, ông Thái Văn Tài cho biết, giáo viên hoàn toàn được lựa chọn các giải pháp linh hoạt, không nhất thiết phải bám quá sát vào SGK, miễn sao bảo đảm chương trình của môn học.
Còn với phương pháp dạy học theo xu thế mới, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - nguyên Điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT nhận định: “Tất cả đều quan trọng, từ mục tiêu, phương pháp, nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh. Tuy nhiên, xét cho cùng, mục tiêu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tất cả yếu tố còn lại trong dạy học. Nếu giáo viên nắm vững được mục tiêu quy định trong chương trình được cụ thể hóa trong các bài học, hoạt động dạy học trong cuốn SGK cụ thể, họ hoàn toàn chủ động sắp xếp chất liệu trong bài giảng miễn sao đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất”.
Theo ông Hùng, với cách tiếp cận mới, giáo viên được phát triển hết khả năng sáng tạo, thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào các chất liệu đã được thể hiện trong một bộ SGK cụ thể.
Cùng bàn về vấn đề này, bà Đinh Thị Băng Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội cho rằng, với yêu cầu đổi mới, giáo viên hiện nay luôn phải tự học, tự nâng cao phương pháp truyền thụ kiến thức, kỹ năng. Để hỗ trợ giáo viên làm phong phú bài giảng, cách tiếp cận, bà Tâm cho biết, dù nhà trường đã lựa chọn 1 bộ SGK cho năm học mới nhưng hiện thư viện luôn có đủ cả 5 bộ sách để giáo viên tham khảo, vận dụng.
Với định hướng đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên hiện nay buộc phải vận động, đổi mới nếu không sẽ có nguy cơ tự đào thải. Đội ngũ này có quyền chủ động, sáng tạo, làm chủ bộ môn, phương pháp truyền thụ miễn sao đạt được mục tiêu của ngành giáo dục đề ra.

"Việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo, tất cả giáo viên tham gia dạy lớp 1 năm nay phải trải qua đợt tập huấn, bồi dưỡng về SGK lớp 1 mới là chính sách đúng đắn. Với góc độ giáo viên, chắc chắc sẽ có những lo lắng nhất định. Tuy vậy, các giáo viên cần sẵn sàng đối diện với quy luật tất yếu đó. " - Cô Hoàng Thuý Hà - giáo viên trường Tiểu học Mậu Lương, quận Hà Đông