Cụ thể, Vietcombank, mặc dù ngân hàng được cho là đã kiểm soát tốt nợ xấu nhưng lượng xử lý nợ xấu trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 28,4% so với cùng kỳ là 2.411 tỷ đồng. Theo ước tính, chi phí dự phòng của Vietcombank sẽ không đổi so với năm 2015 là 6.080 tỷ đồng, bao gồm 4.943 tỷ đồng dự phòng cho vay khách hàng, giảm 11% so với năm 2015, và 1.069 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC, tăng 120% so với năm 2015. Trong trường hợp các chi phí dự phòng bất thường như dự phòng liên quan đến vụ cho vay gian lận tại chi nhánh Tây Đô sẽ không còn thì năm 2016, tỷ lệ nơ xấu mới ước tính giảm còn 1,34% từ 1,62% năm 2015.
Trong khi đó, đối với ngân hàng có gốc quốc doanh còn lại là BIDV, mặc dù theo ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và bằng 45% kế hoạch năm. Tuy nhiên, được biết trong đó bao gồm 850 tỷ đồng lãi từ thoái vốn khỏi ngân hàng VID-Public được ghi nhận trong quý 2. Theo đó, nếu không tính khoản lãi không thường xuyên này, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm từ hoạt động kinh doanh chính là 2.750 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ và bằng 35% kế hoạch cả năm 2016. Hiện không có thông tin chi tiết về các nhóm nợ và chi phí dự phòng của BIDV, trong khi kế hoạch tái cơ cấu nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã được trình chính phủ để xin chủ trương và phê duyệt. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I/2016 của ngân hàng này, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,80% so với mức 1,62% vào cuối năm 2015. Tổng dư nợ xấu tăng 16,04% so với đầu năm lên 11.252 tỷ đồng (tăng 1.555 tỷ đồng). Nợ nhóm 3 tăng 5,63% so với đầu năm lên 3.830 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 101,13% so với đầu năm lên 1.765 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 8,91% so với đầu năm là 5.655 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu, là 50,26%. Chi phí dự phòng tăng 103,38% so với cùng kỳ lên 1.990 tỷ đồng, trong đó, 1.630 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ) là dự phòng nợ xấu, dự phòng chung là 395 tỷ đồng và dự phòng riêng là 1.235 tỷ đồng, 56,47 tỷ đồng nợ xấu liên ngân hàng và 303,36 tỷ đồng dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC. Mới đây, BIDV đã trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt kế hoạch tăng vốn. Trên thực tế Ngân hàng đã gặp khó khăn trong việc tăng vốn kể từ 2014 với khả năng phát hành cho đối tác chiến lược là trọng tâm. Vietinbank cho biết lợi nhuận 6 tháng của ngân hàng này ước đạt 4.273 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Vietcombank cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 52% kế hoạch năm. Thấp nhất trong nhóm ông lớn là BIDV, lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Vietinbank cho biết, tín dụng của ngân hàng này, gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản bão lãnh, đạt 729 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong khi đó vốn huy động (gồm cho vay/gửi tiền liên ngân hàng, huy động từ khách hàng, quỹ ủy thác và các khoản huy động từ nguồn khác) đạt 780 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Hiện Vietinbank chưa công bố các thông tin cụ thể về các chỉ tiêu chính như hệ số dư nợ trên vốn lưu động (LDR), tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và nợ xấu. Tuy nhiên, theo ước tính của giới chuyên môn, chi phí dự phòng của Vietinbank sẽ tăng 25,4% lên 5.870 tỷ đồng với 2.275,2 tỷ đồng (tăng 127% so với năm 2015) dự phòng đối với trái phiếu VAMC mà ngân hàng nắm giữ cộng với số trái phiếu PGBank chuyển sang. Phần còn lại 3.595 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2015) là dự phòng cho vay khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý vẫn giữ nguyên ở mức 0,95% sau khi xử lý 2.857 tỷ đồng hay 0,45% tổng dự nợ. Dự phòng lũy kế tính đến hết năm 2016 sẽ đạt khoảng 5.465 tỷ đồng (tăng 20,1% so với năm 2015), hay 0,84% tổng dư nợ.